Vị trí ưu thế của chữ quốc ngữ Latinh hóa trong xây dựng hệ thuật ngữ tiếng Việt

Chữ quốc ngữ Latinh hóa (CQN) của tiếng Việt từ khởi đầu được du nhập vào Việt Nam đến nay đã gần 4 thế kỉ (từ thế kỉ 17). Ngày nay, sau bao thăng trầm duy trì tồn tại, thứ chữ viết này đang chiếm địa vị hàng đầu về tính phổ biến, tiện dụng trong so sánh với hai thứ chữ tồn tại trước đó (chữ Hán và chữ Nôm) ở Việt Nam. Cũng chính vì thế mà ngày nay cần xem xét đánh giá CQN tiếng Việt không chỉ là phương tiện, công cụ của tiếng Việt mà còn cần được đánh giá như một thành tựu, một thành tố của văn hóa Việt Nam.

Sự khởi đầu của việc du nhập thứ văn tự này, như đã biết, là nhờ những nhà truyền giáo đến từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý, Pháp. Họ là những người đầu tiên dùng thứ chữ viết Latinh hóa hoặc thứ chữ viết của nước họ vốn vay mượn từ tiếng Latinh để ghi âm tiếng Việt tại các vùng miền mà họ đã lưu trú. Và cùng với sự hỗ trợ, cộng tác của nhiều người, nhiều thế hệ người Việt mà hình thành dần hệ CQN tiếng Việt. Dấu mốc lịch sử đáng nhớ và cũng là bằng chứng tạo thành hệ thống - hệ CQN tiếng Việt biểu hiện rõ nét trong các từ (tự) điển. Theo tuần tự thời gian có thể kể đến: Từ điển Việt-Bồ Đào Nha - Latin (Dictionarium Annamitium - Lusitanum et Latium (1651) của Alecxandre de Rhodes. Đáng chú ý là các từ điển tiếp sau, có muộn hơn và cũng có cơ hội tốt hơn, là Tự điển Nam Việt dương hiệp tự vị của A.J.L Taberd (Dictionarium Annamito Latinnum (1838), in lần đầu tại Serampore (Bengale) Ấn Độ. Và đáng tự hào, đáng đánh giá cao là tự điển của soạn giả Việt Nam đầu tiên, có quy mô đồ sộ, đáng nể là Đại nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Tome I: A-L Saigon. Impimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran, 4, 1895 và Tome II: M-X Saigon, Imprimerie REY, CURIOL & Cie, Rue Catinat d'Ormay, 1896. Muộn hơn 2 năm còn có cuốn Từ điển  Việt-Pháp (1898) của J.F.M.Génibrel, Saigon. Với CQN - tiếng Việt trong các từ (tự) điển trên đã có nhà ngữ âm học Việt Nam đánh giá là "chữ quốc ngữ" gần đúng như chữ ngày nay" [12,294]. Điều đáng chú ý liên quan đến chữ viết là điểm nhấn của soạn giả từ (tự) điển. Ngoài bìa của Đại nam quấc âm tự vị có ghi rõ "Tham dụng chữ nho, có giải nghĩa, có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ" và bên trong tự điển mục Tiểu tự ông tuyên bố "Ta mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ, sắp đặt theo thứ lớp cho dễ việc tra tìm. Ta dụng đầu riêng như chữ c chỉ là chữ nho, chữ n chỉ là chữ nôm, chữ c chữ n để chung thì chỉ là chữ nho mà có dùng nôm, cả thảy đều làm ra phân biệt [1, IV]. Quả thực ở chú giải vừa dẫn, soạn giả họ Huình không chỉ dùng chữ cái chung mà cả ghi chú dùng tắt, kí hiệu bằng CQN mà ông tiếp nhận.

Sự thực về mặt văn tự, ngôn ngữ và văn hóa, sự xâm nhập của hệ chữ cái Latinh vào Việt Nam là cả một lịch sử lâu dài, truân chiên với nhiều biến cố, nhiều sự kiện thú vị. Càng có ý nghĩa là qua bao hi sinh gian khó để có thể kết quả là có hậu, là vinh quang như ngày nay. Trong trường kì hàng mấy thế kỉ ấy thì mốc lịch sử chuyển biến mạnh mẻ có ý nghĩa quyết định là vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Do có sự kết hợp nhân tố khách quan là chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất tại xứ Đông dương thuộc Pháp với nhân tố chủ quan là sự thức nhận, sự nhận thức đổi mới  thức thời của giới thức giả và những người yêu nước tiến bộ nhiệt thành mà CQN được chấp nhận, quảng bá. Tiếp sau phong trào Minh tân ở miền Nam là phong trào Duy tân ở miền Trung và miền Bắc mà đỉnh cao là "phong trào cải cách văn hóa, đầu thế kỉ XX và Đông Kinh nghĩa thục" [9,54] mà có người viết: "Chữ quốc ngữ là hồn trong nước. Phải đem ra tính trước dân ta. Sách các nước, sách Chi Na. Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường" (Trần Quý Cáp - ĐKNT). Trong văn bản trường ĐKNT, một nhà trường tư thục chỉ tồn tại 9 tháng thì bị đàn áp, đóng cửa có tác phẩm được xem là tuyên ngôn duy tân, minh tân của phong trào là "Văn minh tân học sách". Tác phẩm nêu lên "6 đường" duy tân, canh tân xứ sở, trong đó có đường đầu tiên, thứ nhất là: "Một là dùng văn tự nước nhà", "hai là hiệu đính sách vở" "ba là sửa đổi phép thi", "bốn là cổ võ nhân tài", "năm là chấn hưng công nghệ", "sáu là mở tòa báo". Mà trong "một là dùng văn tự nước nhà" có đoạn ghi rõ "Gần đây mục sư người Bồ Đào Nha chế ra chữ quốc ngữ, lấy 26 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm, 11 vần, đánh vần theo lối hài thanh mà đọc ra tiếng ta, rất là giản dị, nhanh chóng" [4, 123].

Thực tế là những dấu mốc, bước ngoặt trong dùng CQN của phong trào Duy tân cùng với các tờ báo ở miền Bắc như Đăng cổ tùng báo là sự nối tiếp phong trào Minh tân ở miền Nam và các tờ báo quốc ngữ ra đời trước đó là Gia định báo (1869), Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn... Đã có nhà nghiên cứu nhận xét về các tờ báo này rằng: "Để thực hành sứ mệnh giúp đồng bào "văn minh" tiến bộ hơn ngoài việc "mở cuộc Minh tân", Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn còn góp công xây dựng nền quốc văn mới" [7,36]. Như vậy với phong trào Minh tân, Duy tân và đỉnh cao là Đông Kinh nghĩa thục đã tạo ra một bước, một bước biến chuyển mới trong chấp nhận cổ xúy dùng CQN Latinh hóa. Và tiếp theo là một phong trào báo chí, dịch thuật, sáng tác, xuất bản phẩm với Đông dương tạp chí (1913), Nam phong tạp chí (1917), Hữu Thanh (1922), Thanh niên (1925), Đường Kách mệnh (1927), Văn kiện Đảng (1930) và cả phong trào dịch thuật, trước tác, sáng tác từ sau những năm 10 của thế kỉ 20 đến những năm 30, đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Chữ quốc ngữ đã thắng thế. Chữ quốc ngữ đã trở thành công cụ, phương tiện đắc lực của thông tin chính trị-xã hội, của báo chí, của sáng tạo văn học; chữ quốc ngữ đã đi vào trường học, vào khoa học trong đó khởi đầu từ văn bản ĐKNT và dấu mốc lịch sử là cuốn Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn - dấu mốc đánh dấu sự hình thành hệ thuật ngữ khoa học Việt Nam, hệ thuật ngữ tiếng Việt với chữ quốc ngữ Latinh hóa.

Nói rằng chữ quốc ngữ đã thắng thế là nói vai trò, vị trí của CQN trong tính phổ biến, trong trước tác, trong thông tin, giáo dục, khoa học, trong so sánh cạnh tranh với chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Pháp thời Pháp thuộc, trước năm 1945 ở Việt Nam. Còn nói về vị trí ưu thế của CQN trong xây dựng hệ thuật ngữ tiếng Việt thì còn có một sự liên hệ, một vị trí còn to lớn hơn là vị thế của CQN - tiếng Việt trong so sánh với tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn (Triều Tiên), nói chung là tiếng các nước đồng văn, các nước vùng đông Á trong tiếp xúc, tiếp nhận thứ chữ viết phương Tây, chữ Latinh ghi âm thời cận hiện đại. Quả thực, ai cũng biết, kết quả của sự tiếp xúc, tiếp nhận hệ văn tự Latinh ghi âm chỉ có Việt Nam là thành công ngoạn mục duy nhất hiện nay. Quả là một kì công, là một thành tựu mới của văn hóa, có ý nghĩa không chỉ của ngôn ngữ học mà cả văn hóa văn minh hiện đại Việt Nam.

Trước hết hãy liên hệ với Nhật Bản là nước tiếp nhận ảnh hưởng phương Tây sớm. Từ thời Minh trị duy tân, theo Vĩnh Sính, người Nhật tiếp nhận thuật ngữ phương Tây qua Hán-Nhật mà không phải  phiên chuyển (phiên âm, chuyển chữ). Khi dịch các tác phẩm từ tiếng Pháp, tiếng Anh người Nhật dùng yếu tố Hán đã mượn vào và tạo ra thuật ngữ (Made in Japan) như "Dân ước luận", tức khế ước xã hội (contrat social) của Jean Jacques Rousseau (Lư Thoa), "Vạn pháp tinh lí" (Esprit des Loi) của Monstesquieu (Mạnh Đức Tư Cưu) và hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm khác. Số thuật ngữ tự tạo này (chất liệu Hán) lên đến trên 3000 TN, sau này tiếng Hán mượn vào rồi ta mượn lại vào tiếng Việt. Đến thời kì sau này người Nhật cũng dùng cách phiên âm. Nhưng theo Hoàng Xuân Hãn "Chữ phiên âm Hán tự còn do - khả, chớ chữ phiên âm chữ Anh và chữ Đức thì cực dài như "phiên âm chữ Anh: gyroscopic stabiliser (stabilisateur gyroscopique): Ji-yai-ro-xư-la-bi-rai-zaa". Hoặc "phiên âm chữ Đức Naphtyla-minsulfosaure (acide naphtylamine sulfonique): na-fu-chi-rư-a-min xư-ru-fuo-ru.v.v. Như vậy hệ thống văn tự Nhật hiện dùng nhiều loại chữ đồng thời. Về thuật ngữ "người Nhật Bản hoàn toàn dùng lối phiên âm trong những khoa học hóa học và các ngành cao cấp về các môn khác" [3, XXV].

Đối với tiếng Hán của Trung Quốc thì theo Hoàng Xuân Hãn "phiên âm bằng chữ Trung hoa rất khó, trước là vì âm Trung hoa rất ít, sau là vì họ không có chữ la-tinh để nhắc cho họ hình dung chữ gốc phiên âm". Vì vậy "phàm danh-từ về toán học, vật lí học thì lấy sự thích nghi làm chủ. Dùng đơn âm hay là lưỡng âm làm quy tắc. Về hóa học thì phần vô-cơ, dùng lối đặt chữ mới và thích nghĩa và phiên âm, còn về phần hữu-cơ thì hoàn toàn phiên âm [3, XXVI]. Còn ở phạm vi rộng lớn hơn thì "đất nước Trung hoa vào những năm 60, thời ông Chu Ân Lai...nắm quyền trong tay, đã phát động rầm rộ phong trào cải cách văn tự Trung Quốc, dùng tự mẫu Latinh thay chữ tượng hình...Thế mà rồi không thành công" [8,19].

Cũng là nước trong 4 nước đồng văn là Triều Tiên (Nam Hàn và Bắc Hàn) tôi gọi chung là dân tộc Hàn (Korea) trước đây văn tự mượn văn tự Hán. Đến thế kỉ thứ tám sau Công nguyên họ tự sáng tạo chữ viết Idu tương tự như chữ Nôm ở Việt Nam. Nhưng đến triều đại vua Sejong (1397-1450) tự đích thân nhà vua chỉ đạo sáng tạo ra hệ thống chữ viết ghi âm hoàn toàn gọi là chữ Hangeul. Đúng vào tháng 12 năm 1443 âm lịch nhà vua cho công bố Hunmin Chongum tức là Huấn dân chính âm với 24 chữ cái gồm 14 nguyên âm và 10 phụ âm. Đây là hệ thống văn tự ghi âm hoàn toàn, rất dễ học, dễ phổ biến nên dân tộc Hàn gọi là chữ viết vĩ đại, một hệ thống chữ viết ghi âm duy nhất thời bấy giờ ở các nước trong khu vực [10, 227-239]. Với 24 chữ cái có sự kết hợp phát âm thành ra có 19 phụ âm và 21 nguyên âm. Vì là chữ viết do nhà vua cho tổng hợp từ nét chữ các con triện nên bề ngoài ta cứ tưởng như là thứ văn tự tượng hình. Kì thực đây là một loại văn tự ghi âm hoàn toàn. Có thể nhận thấy sự tương ứng với chữ cái Latinh cụ thể như sau:

Hangeul - chữ Quốc ngữ của Hàn Quốc ngày nay

Hệ thống chữ Quốc ngữ của Hàn Quốc ngày nay chỉ còn lại 24 chữ cái gồm 14 nguyên âm và 10 phụ âm:

19 phụ âm tiếng Hàn

Hangeul

Phiên âm âm vị

/k/

/n/

/t/

/ɾ/

/m/

/p/

/s/

/c/

 

/ŋ/

/h/

 

Chữ Latin

k, g

n

t,d

r,l

m

p,b

s

j

ng

h

 

 

 

Hangeul

Phiên âm âm vị

/kh/

/th/

/ph/

/ch/

/k'/

/t'/

/p'/

/s'/

/c'/

Chữ Latin

k

t

p

ch

kk

tt

pp

ss

jj

 

21 nguyên âm tiếng Hàn

Hangeul

Phiên âm âm vị

/a/

/ə/

/o/

/u/

/ɨ/

/i/

/æ/

/e/

Chữ Latin

a

eo

o

u

eu

i

ae

e

 

Hangeul

Phiên âm âm vị

/ya/

/yə/

/yo/

/yu/

/ui/

/yæ/

/ye/

/wa/

/wə/

/wæ/

/we/

 

/we/

/wi/

Chữ Latin

ya

yeo

yo

yu

ui

yae

ye

wa

wo

wae

we

oe

wi

Như vậy với hệ thống văn tự ghi âm dẫn trên, tiếng Hàn ngày nay, trừ một bộ phận danh pháp sử dụng chữ cái Latinh, bộ phận thuật ngữ còn lại đều sử dụng chữ cái Hangeul. Như vậy với 3 liên hệ so sánh có thể thấy tính ưu trội của chữ quốc ngữ tiếng Việt trong các hệ thống chữ viết và trong tạo thành hệ thuật ngữ khoa học tiếng Việt văn hóa.

Xét về vị trí ưu thế của chữ quốc ngữ tiếng Việt trong tạo hệ thuật ngữ còn tính đến những mối quan hệ, những quy chiếu so sánh nữa là hệ chữ cái các ngôn ngữ liên hệ. Ngay trong Tiểu tự Huình - Tịnh Paulus Của đã tuyên bố "ta mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ". Các ngôn ngữ phương Tây mà về sau tiếng Việt trong đặt, dịch, phiên chuyển thuật ngữ thường quan hệ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức. Riêng đặt trong mối quan hệ so sánh hệ chữ cái liên hệ phiên âm mà không chuyển chữ phổ biến hiện nay là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức. Hệ chữ cái được chấp nhận thông dụng hiện nay mà Từ điển Hoàng Phê chủ biên: TĐTV cũng gồm 24 chữ cái. Nếu tính hết âm chữ cái tương ứng là 33: A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, W, X, Y, Z.

Hệ chữ cái tiếng Việt nêu trên trong so sánh với những tài liệu chữ cái các ngôn ngữ liên hệ như tiếng Anh cũng gồm 26 chữ cái, tiếng Pháp cũng 26 và tiếng Đức cũng vậy: 26 chữ cái. Có thể với tác giả này tác giả khác có sự sai biệt chút ít, song nhìn chung hệ chữ quốc ngữ tiếng Việt về cơ bản nằm trong khuôn khổ gần như đồng nhất với các ngôn ngữ liên hệ. Nếu lấy mẫu Latinh để so sánh thì cũng có 26 chữ cái: Aa, Bb, Cc, Ee, Ff, Gg, Hh, Êê, Ii, Jj, Kk, Ll, Mm, Nn, Oo, Pp, Qq, Rr, Ss, Tt, Uu, Vv, Ww, Xx, Yy, Zz.

Điều này cho thấy vị trí ưu thế của hệ chữ cái quốc ngữ Latinh hóa tiếng Việt sử dụng, chấp nhận trong quá trình xây dựng hệ thuật ngữ tiếng Việt ngày nay.

Việc chấp nhận hệ chữ cái ghi âm trong đặt, dịch thuật ngữ, cụ thể hơn là bộ phận phiên âm là dựa trên nguyên tắc âm vị học. Và nhìn rộng ra trong trình độ ngôn ngữ học ngày nay việc quán triệt mục tiêu xây dựng một hệ chữ viết âm vị học là tất yếu. Năm 1964 và 1965 tại Hà Nội, "Hội nghị bàn về xây dựng thuật ngữ khoa học", với ý tưởng áp dụng một số cải tiến chữ quốc ngữ vào phiên âm thuật ngữ như một bước đi trước, đã đưa ra một số đề nghị. Ví dụ về phụ âm, đề nghị bỏ h trong gh, dùng z thay d, dùng d thay đ; dùng j thay gi, dùng r thay Việt thay r nước ngoài, dùng f thay ph, chỉ dùng c hoặc k thay cho k,c,q; dùng p vào vị trí phụ âm đầu v.v... Về nguyên âm dùng i thay y, khi viết cũng như đọc dùng e, o thay ê, ô v.v...Một số đề nghị phiên âm vần ngược, dấu thanh, v.v...[13, 154-156]. Gần đây nhất trong kết quả nghiên cứu của đề tài "Danh pháp và thuật ngữ hóa học Việt Nam" (đã công bố thành sách) cũng đã có đề nghị dùng hệ thống chữ quốc ngữ Latinh hóa tiếng Việt vào chuẩn hóa danh pháp và thuật ngữ hóa học [2]. Như vậy vị trí ưu thế của CQN tiếng Việt càng được phát huy. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp thống nhất và chuẩn hóa cho toàn bộ hệ thống thuật ngữ và danh pháp Việt Nam với công cụ phương tiện CQN Latinh hóa tiếng Việt. Công việc này là cực kì to lớn và đầy ý nghĩa mà đang ở phía trước. Hi vọng trong tương lai gần sẽ được chú ý nghiên cứu giải quyết tổng thể. Và bấy giờ vị trí ưu thế của CQN Latinh hóa tiếng Việt ngày càng đạt được thành tựu to lớn, rực rỡ hơn nữa.

--------------------------

* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VII2.9-2011.07.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hìunh - Tịnh Paulus Của (1895, 1896), Đại nam quấc âm tự vị. T.I (1895)T.II (1896). SaiGòn.

2. Hội hóa học Việt Nam (2010), Danh pháp và thuật ngữ hóa học Việt Nam. Nxb Khoa học và Kĩ thuật. HN.2010.

3. Hoàng Xuân Hãn (1951), Danh từ khoa học Toán, Lý, Hóa, Cơ Thiên-văn. Nxb Minh Tân, 7, Rue Guénesgaud. Paris-VIe.

4. Đặng Thai Mai (dịch), Văn minh tân học sách. Trong: "Đông Kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỉ XX". Nxb Văn hóa Thông tin. HN, 1997.

5. A.d Rhôdes (1651-1971), Từ điển Việt-Bồ Đào Nha - Latinh. Tái bản bằng sao chụp với phiên dịch tiếng Việt hiện đại.

6. A.J.L Taberd (1838), Nam Việt dương hợp tự vị. Xuất bản tại Serampore (Bengale) Ấn Độ.

7. Bùi Đức Tịnh (1997), "Các tờ báo đầu tiên ở Nam Bộ và đóng góp của báo chí trong hình thành văn học bằng quốc ngữ" trong "Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt". Đại học KHXH, ĐHQG, Tp HCM, 1997.

8. Hoàng Tiến (1993), Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ XX. Đề tài NCKH cấp nhà nước KX 06-17. HN, 1993.

9. Chương Thâu (1997), Đông Kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỉ XX. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1997.

10. Lê Quang Thiêm (1998), Văn hóa văn minh và yếu tố văn hóa truyền thống Hàn. Nxb Văn học. HN, 1998.

11. Bùi Khánh Thế (1997), Chữ quốc ngữ & sự phát triển chức năng xã hội tiếng Việt. Trong Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt. Đại học KHXH, ĐHQG, Tp HCM, năm 1997.

12. Đoàn Thiện Thuật (1999), Ngữ âm tiếng Việt. Nxb ĐHQG HN 1999.

13. Vấn đề xây dựng hệ thuật ngữ khoa học (1997) Nxb Khoa học xã hội, HN, 1997.

14. Nguyễn Khắc Xuyên (1997), Đóng góp tích cực của Hìunh Tịnh Của (1832-1907) vào chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt. Trong: Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt. Đại học KHXH, ĐHQG, Tp HCM, năm 1997.

Tin bài liên quan
Sample Article

Các từ của các dân tộc anh em phía Nam trong tiếng Việt

Dân tộc Kinh sống cộng cư với 53 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S qua hàng nghìn năm. Do điều kiện địa lý và lịch sử đặc biệt đó, dân tộc Kinh đã tiếp thu khá nhiều từ của các ngôn ngữ dân tộc anh em. Trong số các dân tộc này, hai dân tộc phía Nam có ngôn ngữ tiếp xúc nhiều với tiếng Việt là tiếng Chăm và tiếng Khơ-me.