Cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam lên hạng vô giá
Cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam in năm 1651, tại Roma (Italia), đã tồn tại 366 năm và được lưu giữ trong nhà thờ Mằng Lăng (Tuy An, Phú Yên). Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ, chữ viết tiếng Việt chính thức đang dùng hiện nay. Cuốn sách quý này vừa mới đây được đưa vào hồ sơ đề xuất kỷ lục Việt Nam – giá trị vượt lên mọi sự định giá trước đó.
Linh mục Phero Trương Minh Thái, Chánh xứ Giáo xứ Mằng Lăng tiếp tôi trong căn phòng dành để tiếp khách quý của nhà thờ Mằng Lăng có bài trí rất nhiều cổ vật. Đáng chú ý nhất là chiếc bàn trà kê ở giữa phòng được làm bằng gỗ mằng lăng rất cũ kỹ và đang được sử dụng. Đây là chiếc bàn tồn tại đã 127 năm, được cưa từ một thân gỗ mằng lăng lớn tại chính vị trí xây ngôi nhà thờ này. Xung quanh vị linh mục, vô số những hiện vật quý mang tính lịch sử, lý giải và minh chứng tiến trình hình thành phát triển của tôn giáo, đời sống con người khu vực Nam Trung bộ do chính ông sưu tầm, gìn giữ. Duy chỉ có cuốn sách cổ có tựa đề “Phép giảng 8 ngày” in tại Roma, ông được kế nhiệm lưu giữ bảo quản, vì đó là tài sản của nhà thờ Mằng Lăng.
Linh mục Trương Minh Thái cho biết, trước đây, đã có thời gian cuốn sách được trưng bày trong khu tưởng niệm linh mục Alexandre de Rhodes để mọi du khách và giáo dân đều được thưởng lãm. Alexandre de Rhodes là một giáo sĩ truyền giáo kiêm nhà ngôn ngữ học châu Âu sống ở giữa thế kỷ XVII đã có công quy chuẩn hóa chữ quốc ngữ từ việc phát minh dùng chữ quốc ngữ trong giảng đạo và biên soạn giáo lý của nhóm các nhà truyền giáo và giáo dân ưu tú ở vùng Nam Trung bộ lúc bấy giờ. Sau đó, lo sợ cuốn sách bị mục nát và hỏng vì thời tiết khí hậu biến đổi thất thường, Linh mục Trương Minh Thái lưu giữ bản gốc cuốn sách trong hộp kín và chỉ trưng bày cuốn phiên bản.
Linh mục Trương Minh Thái giơ cuốn sách trước đèn, chỉ cho tôi dấu in chìm trong cuốn sách của nhà in Vatican vào thời điểm năm 1651. Đây là dấu tích khẳng định bản in gốc được chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes mang về Roma in những tài liệu đã biên soạn của mình thành cuốn sách này và in tại nhà in Vatican rồi lại mang sang Việt Nam và sử dụng nó trong các buổi giảng đạo của mình. Vào thời điểm đó, kỹ thuật in chìm trong giấy mà chữ hoặc dấu chìm chỉ hiện lên khi giơ giấy trước nguồn sáng là một trong những kỹ thuật in tiên tiến chỉ có vài nhà in hiện đại trên thế giới có được. Cho đến bây giờ, chính vì sở hữu đặc điểm đặc biệt đó, cuốn sách càng trở nên có giá trị và trở thành vật tích muốn nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, khảo cổ và sử học trên thế giới.
Cuốn sách hiện nay đã nhuốm màu thời gian, nhưng mực in vẫn rõ ràng, được bọc ngoài bằng vải và trông không khác gì so với hàng vạn bản in tái bản sau này của cuốn sách. Linh mục Trương Minh Thái cho biết, ngoài việc Tổ chức kỷ lục Việt Nam - Hội kỷ lục gia Việt Nam muốn xác lập kỷ lục cho cuốn sách thì rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới muốn mời ông mang cuốn sách này qua giới thiệu với họ và giới sinh viên, nghiên cứu sinh đang quan tâm. Tuy nhiên, có vẻ như việc mang cuốn sách ra ngoài lãnh thổ Việt Nam là không khả thi.
Về mặt chứng nhận pháp lý, cuốn sách là tài sản đặc biệt khi mang ra nước ngoài cần có bảo hiểm. Nhưng để bảo hiểm thì việc định giá lại không thể dựa trên tiêu chí nào. Việc một nhà thờ bình thường ở xứ đạo ven biển Nam Trung bộ lưu giữ được nguyên vẹn cuốn sách là một kì tích. Dù đã có lúc, cuốn sách từng lưu lạc vì những năm chiến tranh, binh biến, xáo trộn. Hiện nay, mỗi năm nhà thờ Mằng Lăng lại gửi cuốn sách tới Trung tâm Lưu trữ Quốc gia để kiểm tra và tăng cường thêm các biện pháp bảo quản hiện vật. Linh mục chánh xứ nói: “Cuốn sách giờ đây trở thành tài sản vô giá của quốc gia mà nhà thờ chỉ là nơi lưu giữ, sở hữu theo truyền thống. Mọi hành động có thể có nguy cơ tổn hại đến tài sản này đều được nhà thờ cân nhắc kỹ lưỡng”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là giá trị của một hiện vật tồn tại đã trên 3 thế kỷ bên cạnh đời sống các giáo dân vùng duyên hải. Giá trị lớn hơn cả là hiện vật này là chứng nhân lịch sử của một thời kỳ bước ngoặt mà chữ viết của chúng ta chuyển từ chữ nôm sang chữ quốc ngữ dẫn tới sự chuyển động bản lề của văn hóa nền tảng sau này. Ngay cả việc ngôi nhà thờ được xây trong rừng gỗ mằng lăng (hay bằng lăng?) đọc chệch đi theo tiếng địa phương vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ. Rất nhiều bí mật còn nằm sau cuốn sách ra đời 366 năm trước, chưa kể sự lý giải về nguồn gốc việc phiên âm chữ quốc ngữ đã phần nào nói lên sự cởi mở trong giao tiếp, du nhập những thể thức mới, cấp tiến của nhân loại trong lĩnh vực văn hóa của người Việt Nam.
Trương Thúy Hằng.