Người Việt đã góp phần vào việc hình thành chữ Quốc ngữ như thế nào?
Việc hình thành chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu, ngoài hai “ông tổ” là giáo sĩ thuộc Dòng Tên Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes, còn có sự đóng góp rất lớn của nhiều người Việt. Đáng tiếc là công lao của người Việt chỉ được lịch sử nhắc nhớ mờ nhạt, điểm xuyết.
Thầy dạy tiếng Việt của các giáo sĩ
Tại hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ” do Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng phối hợp với Công ty Tao Đàn Thư Quán tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 28 và 29.12.2019, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Học viện Cao học, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TPHCM) cho biết: Việc sử dụng ngôn ngữ bản địa trong việc truyền giáo là lợi thế lớn để giáo lý Thiên chúa đến gần hơn với cư dân địa phương. Trong đó, với các giáo sĩ thuộc Dòng Tên, tiếp cận ngôn ngữ địa phương để truyền đạo là điều gần như bắt buộc. Trong giáo sử của Dòng Tên ghi: “Chính vì thế, Giêsu - hữu phải học cho cao để chinh phục dễ nhất, học cả những khoa học đời để hỗ trợ thêm cho việc tông đồ của mình. Và cũng để đạo đi vào chiều sâu tâm hồn của một dân tộc, Giêsu - hữu hãy sẵn sàng rời bỏ cách suy nghĩ quen thuộc của quê hương riêng mà bỏ ra nhiều thời gian để học ngôn ngữ đỉnh cao và thấm lấy văn hóa của vùng trời họ được sai đến truyền giáo” (Hoành Sơn, Nhân 400 năm Dòng Tên truyền giáo Việt Nam: Từ linh đạo nhã đến phong cách truyền giáo Dòng Tên”).
Một số giáo sĩ thuộc Dòng Tên như: Francisco de Pina (1858 -1625), Alexandre de Rhodes (1591 -1660), Gaspar do Amaral (1592 -1646)... ngay khi đến Đàng Trong đều xúc tiến tìm hiểu văn hóa bản địa và học tiếng địa phương. Đối tượng họ tiếp cận chính là cư dân sinh sống tại địa bàn họ truyền đạo. Những buổi đầu do chưa biết tiếng để giao tiếp, các giáo sĩ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tiếp xúc cư dân bằng cách dùng hành động hoặc chỉ vào sự vật xung quanh và diễn tả điều bản thân muốn. Về sau, các giáo sĩ có thể dùng một số từ cơ bản và dần nói được những cụm từ hoàn chỉnh. Cristoforo Borri, trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621” ghi lại: “Có lần mấy người ngoại quốc bị đắm tàu được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết để xin người ta cho thức ăn để sống, họ chỉ cần học một chữ thôi cũng đủ, đó là từ “đói” nghĩa là tôi “đói”. Theo giải thích của tác giả, chỉ cần nghe từ đó thì những cư dân sẽ rộng lòng thương cho thức ăn. Thông qua quá trình giao tiếp như vậy, khả năng nghe nói tiếng Việt của người ngoại quốc và giáo sĩ cải thiện đáng kể và dần nói được những câu từ hoàn chỉnh.
Giáo sĩ Francesco Buzomi là một trong những người đầu tiên truyền giáo và cũng là người tiên phong học tiếng Việt. Nhờ sự cố gắng, biết tranh thủ qua thông ngôn của người Nhật hay người Hoa đang định cư buôn bán ở Đà Nẵng - Hội An, nhất là học trực tiếp với người Việt trong quá trình giảng đạo và tiếp xúc trong đời sống, việc học tiếng Việt của ông tiến triển nhanh chóng. Trong vòng 4 tháng, Buzomi có thể truyền đạo trực tiếp bằng tiếng Việt. Giáo sĩ Francisco de Pina đến Đàng Trong năm 1617 cũng bằng phương pháp như giáo sĩ Francesco Buzomi cộng với năng khiếu, phương pháp học ngôn ngữ được trang bị trước đó và sự trợ giúp từ một thanh niên người Việt theo đạo, sau đó trở thành thầy giảng có tên thánh là Augustin, giáo sĩ Francisco de Pina đã trở thành một trong những nhà truyền đạo giỏi tiếng Việt nhất lúc bấy giờ. Ông không chỉ giao tiếp, giảng đạo bằng tiếng Việt mà còn có nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ đến sau. Với Alexandre de Rhodes, thầy dạy tiếng Việt cho ông là một cậu bé 13 tuổi người bản địa, hàng ngày theo ông phụ việc và chỉ dẫn cách phát âm. Nhờ vậy chỉ trong 3 tuần, ông đã phân biệt được các thứ âm thanh của tiếng Việt.
Hỗ trợ ghi âm tiếng Việt sang hệ chữ Latin
Khi có thể nghe, nói được tiếng Việt, một số giáo sĩ tìm cách chuyển hóa lời giảng Kinh Thánh từ tiếng nói sang chữ viết bởi việc giảng đạo được chứng minh không chỉ bằng lời nói. Muốn vậy, các giáo sĩ phải chuyển ngữ từ Latin sang các loại chữ thông dụng. Ban đầu, các giáo sĩ sử dụng Kinh Thánh bằng tiếng Hán của Trung Quốc, nhưng đa số cư dân Việt Nam thời đó không biết chữ Hán, nên cách thức này không hiệu quả. Sau đó, các giáo sĩ tìm cách phiên âm các âm tiết tiếng Việt bằng hệ chữ Latin. Người tiên phong làm việc này là giáo sĩ Francisco de Pina.
Năm 1618, giáo sĩ Francisco de Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên thánh là Phêrô lần đầu tiêng dịch sang tiếng Việt cuốn “Kinh Lạy Cha” và các kinh căn bản trong Kito giáo. Đây có thể xem là khởi đầu của công cuộc ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin. Sau khi chuyển ngữ xong cuốn Kinh Thánh đầu tiên, Francisco de Pina nhận thấy giữa các văn bản viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Việt có sự khác biệt. Vì vậy, để thực hiện các công trình tiếp theo, ông tìm đến sự giúp đỡ của những người Việt xuất thân “cửa Khổng sân Trình” am hiểu đạo sách thánh hiền. Sau này, việc phiên âm của Francisco de Pina thuận lợi hơn nhờ những mối quan hệ thân thiết với một số thành viên gia đình chúa Nguyễn. Nhờ vậy, học viện Việt ngữ đầu tiên được thành lập năm 1624 do giáo sĩ Francisco de Pina chủ trì tại Dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Bàn, Quảng Nam ngày nay). Tại học viện Việt ngữ, các giáo sĩ vừa giảng đạo cho gia đình Chúa, vừa học tiếng Việt và thực hiện công việc chuyển ngữ. Cộng sự của Francisco de Pina là các ông nghè, sư sãi, thầy đồ, các quan lại thành thạo chữ Hán, am hiểu nhất định về ngôn ngữ. Hai bên tương tác qua lại học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, de Pina còn mò mẫm soạn sách chữ Quốc ngữ A-B-C.
Tuy vậy, công trình này chưa hoàn thành thì Francisco de Pina mất năm 1625 trong một vụ đắm thuyền. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes tiếp tục công việc mà De Pina đang thực hiện dang dở. Ông cùng các cộng sự của mình, tiêu biểu là thầy giảng Igesico Văn Tín và Bento Tín Thiện viết những bức thư dài, thậm chí còn viết lịch sử bằng chữ Quốc ngữ từ giữa thế kỷ 17, tương đương thời kỳ ra đời hai cuốn sách chữ Quốc ngữ do Alexandre de Rhodes xuất bản ở La Mã năm 1651. Có thể nói rằng, đây là những bản chữ viết Quốc ngữ đầu tiên khá hoàn chỉnh do chính người Việt viết.
Thiếu sót của các giáo sĩ
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận định: Rõ ràng, việc phiên âm từ tiếng Việt sang hệ chữ Latin không phải công việc ngày một, ngày hai, không phải do một cá nhân thực hiện mà là công trình của một tập thể dưới sự chủ trì của các giáo sĩ phương Tây và sự cộng tác của một số nhà trí thức bản địa. Nếu không có sự hỗ trợ của cư dân bản địa, quá trình tiếp cận tiếng Việt sẽ trở nên rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, công lao của người Việt chỉ được lịch sử nhắc nhớ mờ nhạt qua những tên thánh điểm xuyết.
Tại hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam”, GS Nguyễn Đăng Hưng là người đồng chủ tọa với Linh mục, GS Rolland Jacques đến từ Đại học Saint Paul (Canada) phiên thảo luận đầu tiên. Và chính GS Nguyễn Đăng Hưng đã đặt câu hỏi với Linh mục, GS Rolland Jacques rằng: Ngay các giáo sĩ qua các bài viết để lại đã không thể phủ nhận cống hiến của người Việt trong việc tạo tác ra chữ Quốc Ngữ. Thế thì tại sao các giáo sĩ, ngay cả ngài Francisco de Pina đến Alexandre de Rhodes đều không ghi lại được tên tuổi đầy đủ của các cộng tác viên của mình mà hậu thế chỉ biết đến họ qua các tên thánh: Nho sĩ Phêrô (dạy tiếng Việt cho de Pina), Y Nhã Liêm Công, Raphael Rhodes, André Phú Yên, Igesico Văn Tín, Bento Tín Thiện... Và những tên tuổi này đã không được các giáo sĩ ghi lại đầy đủ bằng thứ chữ do chính họ đã góp phần tạo tác?
Trong phần trả lời, Linh mục, GS Rolland Jacques cho biết, ông đã tìm thấy nhiều tài liệu, sách của chính người Việt viết gửi từ Nam Định về Roma bằng chữ quốc ngữ. Điều này cho thấy, người Việt đã cộng tác và có những đóng góp không nhỏ trong việc hình thành và phát triển chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Tuy nhiên, Linh mục, GS Rolland Jacques thừa nhận nhiều người bản địa vẫn được nhắc đến một cách mờ nhạt, thậm chí không được ghi tên đầy đủ, và "đây là một thiếu sót" của các giáo sĩ. "Điều này có thể xuất phát từ tâm lý không đánh giá cao và đúng mức đóng góp của người bản địa" - Linh mục, GS Rolland Jacques nói.
Hoàng Văn Minh.