Lịch sử chữ Quốc ngữ và vấn đề chuẩn hóa chính tả hiện nay
1. Chữ viết ban đầu chỉ là hệ thống ký hiệu dùng để ghi ngôn ngữ. Tuy nhiên, khi chữ viết được chính thức cộng đồng bản ngữ sử dụng trong một thời gian lâu dài trong giáo dục, hành chính, giao tiếp,… thì bản thân chữ viết đã trở thành sản phẩm văn hóa của cộng đồng đó. Thay đổi chữ viết là tạo nên đứt gãy về mặt văn hóa. Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ là một lựa chọn của lịch sử. Việc từ bỏ chữ Hán, chữ Nôm để chuyển sang chữ Quốc ngữ như hiện nay, rõ ràng cũng phải trải qua một sự đứt gãy văn hóa, dù không mong muốn.
Trong gần 2 thế kỷ đầu hình thành và phát triển, về cơ bản, chữ Quốc ngữ cũng chủ yếu được sử dụng trong việc truyền giáo. Khi phạm vi sử dụng vượt ra không gian nhà thờ, chữ Quốc ngữ được sử dụng chính trong trường học dưới thời Pháp thuộc, nhưng chữ Quốc ngữ cũng chính là phương tiện để truyền bá tư tưởng chống Pháp khi được các nhà yêu nước sử dụng bởi tính giản tiện và hiệu quả.
Một bên là các chí sĩ yêu nước muốn dùng sự tiện lợi của thứ chữ có mẫu tự Latinh để mở mang dân trí, canh tân đất nước. Một bên là chính quyền thực dân, sau nhiều toan tính đã nhận thấy sự phù hợp trong chính sách cai trị nếu phổ cập chữ Quốc ngữ. Rõ ràng, các bên đều thấy rõ lợi ích của mình nếu dùng chữ Quốc ngữ, cho dù mục đích chính trị khác nhau.
Có thể nói, ngày 28-12-1918, vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử nho học thì năm 1919, khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức, chữ Quốc ngữ lên ngôi trên phạm vi cả nước. Từ đó, chữ Quốc ngữ đã làm biến đổi sâu sắc văn hóa Việt Nam(1).
Trong buổi giao thời giữa văn hóa Đông-Tây, các trí thức Việt Nam như: Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký), Huỳnh Tịnh Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố… đã nhanh tay nắm lấy cơ hội đó, mặc dầu lúc ban đầu phải dựa vào người Pháp để được viết văn, ra báo. Chúng tôi cho rằng, nếu không có chữ Quốc ngữ thì khó lòng công cuộc Duy tân nửa đầu thế kỷ 20 tiến nhanh và có một tác động sâu rộng như vậy.
Theo số liệu của UNESCO năm 1984, vào năm 1938, Việt Nam có khoảng 95% dân số mù chữ. Tính đến Cách mạng Tháng Tám 1945, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ (1938) đã giúp cho 70.000 người thoát nạn mù chữ.
Đây là một trong nhiều ví dụ nhỏ minh chứng cho sự giản tiện và ích lợi của chữ Quốc ngữ. Đặc biệt, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh chống mù chữ, bằng việc học chữ Quốc ngữ.
Từ đây, chữ Hán và chữ Nôm mất đi địa vị của mình, chữ Quốc ngữ chiếm địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam. Nhờ sự phổ biến của chữ Quốc ngữ, chức năng của tiếng Việt đã được mở rộng, nó vươn lên trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia(2).
2. Chữ Quốc ngữ đã trải qua các chặng đường hơn 400 năm hình thành và phát triển (1615-2019), 100 năm sử dụng phổ biến (1919-2019), bản thân nó đã có những thay đổi theo hướng dần hoàn thiện, hệ thống hóa, quy phạm hóa như chữ viết ngày nay.
Nếu không kể các bản viết tay bằng chữ Quốc ngữ trong thời kỳ sơ khai 1615 đến trước 1651 của các thầy Kẻ giảng và giáo dân, thì chữ Quốc ngữ tính từ Từ điển Việt – Bồ - La và Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes cho đến chữ viết ngày nay đã có nhiều khác biệt và biến đổi trong cách ghi.
Chẳng hạn, ở thế kỷ 17 vẫn còn những từ “oũ” (ông), “kẻ hằii” (kẻ hầu), “bên đoũ đa” (bên Đống Đa), “bao nheo” (bao nhiêu), “tôi blả bấy nheo” (tôi trả bấy nhiêu), “muấn” (muốn), “đức chúa Blời” (đức Chúa Trời), “iêo” (yêu), “khoăn đã nao” (khoan đã nào), “nếo” (nếu), con tlâu (con trâu), cá tlích (cá trích), tlêu ngươi (trêu ngươi), blái núi (trái núi), blát nhà (trát nhà), blan blở (trăn trở)…
Cách viết này vẫn còn nhiều âm hưởng cách viết chữ Pháp, chữ Bồ, chữ Ý đối với cách ghi chữ Việt. Đặc biệt là cách viết chưa cách chữ và chưa có dấu thanh như Anam (An Nam), Sinnua (Thuận Hóa), Nuocman (Nước Mặn), Thienchu (Thiên chủ)…
Có thể nói, phải đến Từ điển Việt - Latinh (1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) thì chữ Quốc ngữ mới gần giống với chữ Quốc ngữ ngày nay, các phụ âm đôi như bl, ml… của tiếng Việt thế kỷ 17 hầu như đã mất hẳn và có sự thay đổi trong cách ghi các vần như oũ > ông, ănh > anh, ăch > anh ău > au. Và khi chữ Quốc ngữ được xuất hiện công khai trên tờ Gia Định báo năm 1865 thì cách viết như đã tiến gần sát với chữ Quốc ngữ hiện tại(3).
Chúng tôi cho rằng, chữ Quốc ngữ hiện nay, bản thân nó đã thể hiện đầy đủ chức năng ghi tiếng Việt trong ngoại giao, giáo dục, hành chính và khoa học. Bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay gồm 29 ký tự: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y để ghi 22 âm vị âm đầu, 16 âm vị nguyên âm, 8 âm vị âm cuối, 1 âm vị âm đệm.
Ưu điểm và nét tinh tế lớn nhất của chữ Quốc ngữ là mỗi chữ ghi một tiếng rời (âm tiết); dùng dấu thanh để ghi lại độ cao, thấp, uốn, gãy… của âm qua 6 thanh điệu: ngang/ huyền/ ngã/ hỏi/ sắc/ nặng, giúp cho tiếng Việt được “nói như hát”.
Vì vậy, việc đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ là điều bất khả thi, dù bản thân nó vẫn tồn tại những hạn chế như: vẫn còn hiện tượng 1 âm vị được ghi bằng hơn một ký tự. Chẳng hạn, âm vị /k/(cờ) được ghi là “k, c, q” (cá, kem, quả); âm vị /ă/ được ghi là “ă” (ăn năn), “a” (tay, hay, cay); âm vị g (gờ) được ghi là “g, gh” (ghi, ghế); âm vị ng(ngờ) được ghi “ng, ngh” (ngành nghề); âm vị âm đệm /w/(u) được ghi là “o, u” (hoa quả); âm vị /z/ (dờ) được ghi là “d, gi, g” (gia đình, áo da, cái gì),…
Tuy nhiên, trong cái bất hợp lý của cách ghi chữ Quốc ngữ không theo nguyên tắc 1-1 đấy cũng chứa trong nó những nguyên tắc ngầm ẩn hợp lý xét về phương diện ngữ âm/âm vị học. Chẳng hạn, âm đệm /w/ xuất hiện trước các nguyên âm “i, ê, iê (ia), ơ, â” (độ mở hẹp, hơi hẹp) thì ghi là “u”: tuy, quế, luyện, huơ, huân,… và khi /w/ xuất hiện sau con chữ “q”: qua, qui, quê, que, quân…, còn khi /w/ xuất hiện trước ba nguyên âm “a, ă, e” (các nguyên âm có độ mở rộng và hơi rộng) thì ghi là “o”: hoa hòe, hoặc; âm vị /k/(cờ) được ghi là “k” khi xuất hiện trước các nguyên âm “i, ê, iê (ia)”, ghi là “q” khi đi với âm đệm /w/( qua, qui, quê, que, quân), còn lại ghi là c (cá, con, cái…); hay các âm vị g (gờ), ng(ngờ) được ghi “gh, ngh” khi xuất hiện trước các nguyên âm “i, ê, iê (ia). Đây có thể xem là quy tắc chính tả có thể ghi nhớ, dùng lâu thành quen mà không gặp trở ngại gì.
Hơn nữa, những cách ghi không tương xứng 1-1 nói trên còn cho thấy sự tiếp xúc ngôn ngữ, lịch sử ngữ âm của tiếng Việt. Chẳng hạn, “con gà” ghi là “g” còn trong “ghi, ghế” ghi là “gh” có lẽ là vì “g” trước “i, ê, e” người châu Âu sẽ đọc thành âm uốn lưỡi tương tự như “gi” của tiếng Việt (“gia đình”) khi đọc các từ “gilet” (áo ghi-lê ), “geste” (cử chỉ, điệu bộ) trong tiếng Pháp nên họ phải thêm chữ “h” sau chữ “g” nhằm khu biệt trong cách đọc.
Điều đó có nghĩa là dạng thức chữ viết ấy đã phản ánh ngữ âm tiếng Việt từ thời điểm ấy trở về trước. Việc phân biệt giữa con chữ “d” và con chữ “đ” là để phân biệt một bên (chữ “d”) là con chữ ghi một âm xát vốn trước đó là một âm tắc, còn một bên khác (chữ “đ”) là con chữ ghi một âm hút vào vốn bắt nguồn từ một âm tắc vô thanh. Rõ ràng, trong cách ghi “thiếu nhất quán” nói trên vô tình lại trở thành bằng chứng hữu ích giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
Vấn đề quan trọng hiện nay là chuẩn hóa chính tả chữ Quốc ngữ trong các văn bản tiếng Việt. Khi Việt Nam chưa có luật ngôn ngữ thì những quy định, pháp chế về thống nhất chính tả tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, cấp bách, mặc dù hiện tại đã có những quy định trong Sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục, Từ điển Bách khoa thư,… nhưng chúng đều chưa đạt được sự thống nhất.
Nội dung cơ bản của việc chuẩn hóa chính tả chữ Quốc ngữ trong cách ghi tiếng Việt, theo chúng tôi, bao gồm nhiều vấn đề nhưng trọng tâm nhất là các vấn đề sau đây:
- Xác định cách viết đúng cho các từ ngữ theo quy tắc của hệ thống chữ viết tiếng Việt, đặc biệt là việc xác định cách viết thống nhất cho các từ có những cách phát âm giống nhau nhưng lại có cách viết khác nhau. Ví dụ: da/ gia, dành/ giành, dì/ gì, Thánh Dóng/Gióng, hát dặm/giặm,…
- Xác định và đưa ra các nguyên tắc viết hoa, viết tắt. Ví dụ: Hà Nội hay Hà nội, Italia hay I-ta-li-a, Y ta ly…
- Xác định cách viết tên riêng nước ngoài, nhất là tên riêng các nước ở châu Âu, tên riêng các dân tộc thiểu số sống trên đất nước Việt Nam sang tiếng Việt. Ví dụ: I-ta-li-a hay là Ý, O-xtray-li-a hay là Úc; Bắc Cạn hay là Băk Kạn, Đăklăk hay Đắc Lắc, Dák Lák…
- Xác định và thống nhất cách viết i (i ngắn) hay y (y dài) trong các trường hợp lưỡng khả và nhất khả: quý/quí, hy/hi, thúi/thúy, mỹ/mĩ, lý/lí, ký/kí…
Những vấn đề cần phải được tìm hiểu, nghiên cứu về chữ Quốc ngữ trên đây cũng chỉ là một cách tiếp cận theo tiến trình phát triển để nhìn lại quy định chuẩn hóa chính tả trong tiếng Việt hiện nay. Việc đưa ra những nguyên tắc chuẩn mực cũng như cách giải quyết sao cho thỏa đáng nhằm đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người sử dụng, nhất là trong xu thế phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt những năm gần đây, phù thuộc nhiều vào sự lựa chọn, trong đó những quy định về giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt cũng như chuẩn hóa chính tả chữ Quốc ngữ hiện nay rất cần được luật hóa.
Theo lịch sử, tiếng Việt đã được ghi bằng chữ Việt cổ (chữ Khoa đẩu, chữ nòng nọc), chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, chữ Khoa đẩu chỉ là những dấu vết, chưa trở thành một chữ viết có hệ thống. Chữ Nôm là loại chữ tượng hình, trên cơ sở chữ Hán, ông cha chúng ta đã sáng tạo ra từ rất sớm để ghi âm tiếng Việt và trở thành chữ viết đầu tiên của dân tộc. Giai đoạn gần đây, cùng với việc bổ sung các nghiên cứu dựa trên các văn bản sưu tầm được từ các thư viện của Pháp, Bồ Đào Nha, Vatican… thì việc xem giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người có công đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không còn chính xác nữa, mà đó là sản phẩm có sự góp công của nhiều người: Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa, Pigneau de Béhaine, Taberd,... và đặc biệt là của cộng đồng giáo dân Công giáo Việt Nam thời bấy giờ như Igesio Văn Tín, Bento Thiện,... |
PGS.TS Trần Văn Sáng.
(1) Vấn đề cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ, xem thêm công trình của Hoàng Tiến, Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20, Nxb Thanh Niên, 2003.
(2) Về sự phổ biến chữ Quốc ngữ và vai trò của báo chí, xem thêm: Trần Nhật Vy, Chữ Quốc ngữ, 130 năm thăng trầm, Nxb Văn hóa-văn nghệ, 2918.
(3) Về những thay đổi chữ Quốc ngữ, xem thêm công trình Đoàn Thiện Thuật, Chữ Quốc ngữ thế kỷ thứ XVIII, Nxb Giáo dục, 2007.