Chữ quốc ngữ - Sự hình thành, phát triển và những đóng góp và văn hóa Việt Nam

Tỉnh Phú Yên được xác định là được thành lập năm 1611; Hội An – Thanh Chiêm, Bình Định (Nước Mặn), Qui Nhơn, Phú Yên… được xem như là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ. Hơn nữa, ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của cha Alexandre de Rhodes được in tại Rôma năm 1651, hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng (được xây dựng vào năm 1892), tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

1. Sự hình thành chữ Quốc Ngữ

Các nhà khoa học, mặc dù không nói ra nhưng dường như tất cả đều công nhận rằng: Nếu  không có đội ngũ các Giáo sĩ châu Âu tận tâm và đầy sáng tạo trong sứ vụ truyền giáo của mình, thì mẫu tự của chữ Việt chắc vẫn là mẫu chữ vuông vốn có của chữ Nôm, chứ không thể là mẫu tự Latinh với nhiều ưu điểm mà chúng ta được thừa hưởng như bây giờ. Công lao của các vị đã sáng tạo nên chữ quốc ngữ là điều không thể phủ nhận. Từ ban đầu, chữ quốc ngữ chỉ được xem là công cụ truyền đạo đắc lực và hiệu quả của các nhà truyền giáo. Các vị ấy là những nhà truyền giáo tâm huyết chứ không phải là những nhà ngôn ngữ học đi điền dã. Mặt khác, vào thời kỳ mà các vị đến truyền giáo, ngôn ngữ học chưa phát triển như bây giờ, nên việc ghi âm bằng chữ quốc ngữ giai đoạn đầu nhiều khi còn chưa thống nhất mà hậu quả vẫn còn đọng lại trong chữ quốc ngữ ngày nay.

 
 

Sự hình thành chữ quốc ngữ là công của nhiều người: Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine, Taberd…, và đặc biệt là của cộng đồng giáo dân Công giáo Việt Nam thời bấy giờ. Chính cộng đồng này là lực lượng duy nhất trong một thời gian khá dài sử dụng thành quả của các nhà xây dựng và hoàn thiện chữ quốc ngữ, do đó chính họ là những người “thẩm định” và bổ túc cho sự hoàn thiện như chúng ta có ngày nay. Mặc dù tên tuổi cụ thể của những giáo dân Việt Nam không được ghi chép một cách rõ ràng, nhưng họ đã có vai trò quan trọng trong sự kiện ngôn ngữ quan trọng này của dân tộc Việt Nam.

Xét trên phương diện khoa học, việc vinh danh công lao của những con người này như dân tộc ta đã làm đối với các nhà khoa học vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam, theo chúng tôi là một việc làm mang tính đạo lý và phù hợp với truyền thống nhân văn của người Việt

2. Sự phát triển của chữ quốc ngữ

Từ khi hình thành cho đến một thời gian dài sau đó, chữ quốc ngữ chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam, ngoại trừ được sử dụng trong cộng đồng Công giáo. Lý do là vì triều Nguyễn không có thiện cảm với thứ chữ các nhà truyền giáo sáng tạo ra. Cho tới khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với các công văn quy định buộc phải sử dụng chữ quốc ngữ, từ đó loại hình chữ viết này mới được lên ngôi. Trước tiên, tại Nam Kỳ, Phó Đề đốc De Lagrandière đã bãi bỏ Hán học và mở trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Năm 1882, nhà cầm quyền còn ra những nghị định bắt buộc dân phải dùng chữ quốc ngữ trong mọi công văn giấy tờ.

 
 

Sang đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ không chỉ được thừa nhận mà còn được lan rộng qua các phong trào cổ động cho việc lựa chọn chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và chữ Nôm diễn ra trong khắp cả nước do các sĩ phu, trí thức hưởng ứng. Các tên tuổi có đóng góp cho sự phát triển của chữ quốc ngữ như: Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh… Nguyễn Văn Vĩnh khuyến khích mọi người đề cao việc học chữ quốc ngữ đã nói: “Chữ quốc ngữ là hồn của nước”, “nước ta sau này hay dở đều ở chữ quốc ngữ”.

Sau đó, năm 1917, vua Khải Định ra lệnh bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán. Năm 1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán. Năm 1938, Hội truyền bá chữ quốc ngữ ra đời, nhờ hội này sự phổ biến chữ quốc ngữ nhanh chóng đến với quần chúng.

 
 

Đặc biệt, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 8.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh chống mù chữ, bằng việc học chữ quốc ngữ. Từ đây, chữ Hán và chữ Nôm mất đi địa vị của mình, chữ quốc ngữ chiếm địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam.

Như vậy có thể nói, sự phát triển của chữ quốc ngữ một phần là do nó phù hợp với lịch sử, nhưng phần khác lớn hơn là do tính ưu việt so với các hình thức chữ có trước đó tại Việt Nam. Nếu trước đó với loại chữ Hán, chữ Nôm - một loại chữ rất khó học - dân Việt Nam có đến 98% người mù chữ, thì nay với chữ quốc ngữ tình thế đã hoàn toàn đảo ngược lại, tức số người biết chữ là 98% và số người mù chữ chỉ bằng số người biết chữ thời bấy giờ. Ưu thế này đã khiến chữ quốc ngữ phát triển nhanh và gần như hoàn thiện chỉ trong vòng một thế kỷ đầu.

3. Những đóng góp của chữ quốc ngữ vào văn hóa Việt Nam

Trong báo cáo toàn văn được đọc tại Hội thảo, GS TS Nguyễn Thiện Giáp đã nêu lên vai trò của chữ quốc ngữ như sau:

- Chữ quốc ngữ là cơ sở để mở rộng chức năng của tiếng Việt, nó vươn lên thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Nó được dùng trong hành chính, ngoại giao, giáo dục. Nó là công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.

- Chữ quốc ngữ là cơ sở để tiếng Việt phát triển. Về mặt từ vựng, chữ quốc ngữ đã giúp tạo ra những từ mới nhằm hỗ trợ việc diễn đạt tư duy trong chiều sâu và đỉnh cao của nó. Về ngữ pháp, dấu chấm câu mà chữ quốc ngữ du nhập vào Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc sáng tạo các câu văn viết một cách sáng sủa, mạch lạc…, điều mà chữ Nôm trước đây không có. Chữ quốc ngữ đã giúp diễn đạt tư duy logic, thể hiện những tư tưởng khoa học cách trọn vẹn hoàn hảo. Về mặt âm, chữ quốc ngữ giúp xác định chính âm cho tiếng Việt, tạo sự thống nhất chữ viết trong toàn lãnh thổ Việt Nam, cho dẫu Việt Nam có nhiều phương ngữ và nhiều dân tộc thiểu số.

- Chữ quốc ngữ là cơ sở để phát triển nền quốc học lên một tầm cao mới. Căn cứ vào di sản Hán Nôm Việt Nam5, chúng ta chỉ có vỏn vẹn 5038 quyển, trong đó có những quyển trùng nhau, nhiều quyển không mấy giá trị… Nếu làm một cuộc so sánh với nền quốc học được ghi bằng chữ quốc ngữ hiện nay, thì dù chỉ trong một thời gian ngắn, chữ quốc ngữ đã vượt hẳn và làm cho nền quốc học phong phú biết chừng nào.

Mặc dù chữ quốc ngữ đã tạo nền cho tiếng Việt phát triển đến đỉnh cao, nhưng tiếng Việt vẫn không được gọi là “ngôn ngữ quốc gia”, mà các văn bản của nhà nước chỉ gọi tiếng Việt và chữ quốc ngữ là tiếng và chữ phổ thông. Mãi cho đến Hiến pháp năm 2013, trong điều 5 mới xác định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”, và điều này khiến chúng ta hiểu ngầm rằng “chữ quốc ngữ là chữ biểu thị ngôn ngữ tiếng Việt sẽ là chữ quốc ngữ với nghĩa đầy đủ và trọn vẹn của nó”.

Lời kết

Với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và cải tiến, chữ quốc ngữ đã trở thành tinh thần, linh hồn của dân tộc Việt. Lời tri ân sâu nặng dành cho các nhà truyền giáo tâm huyết đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ vẫn còn mãi. Tâm tình ghi nhận và hiểu thấu vai trò của cộng đồng Công giáo thuở ban đầu vẫn đậm nét trong sử sách Việt Nam. Tính linh hoạt và bảo tồn văn hóa chúng ta có được, phải kể đến đó là địa vị ổn định và độc tôn của chữ quốc ngữ, việc trở lại với chữ Hán, chữ Nôm mà đôi khi ta vẫn còn nghe thấy hiện nay là không còn phù hợp.

Tinh thần của hội thảo là xây dựng với kỳ vọng cải tiến tốt hơn nữa để tiếng nói, chữ viết của dân tộc có vị trí xứng tầm trong tương quan với các ngôn ngữ khác trên thế giới. Việc viết không thống nhất, không đúng chính tả và hiện tượng sử dụng chữ viết lệch chuẩn khá phổ biến không chỉ trong nhà trường, mà còn trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, theo các nhà khoa học là một điều đáng báo động. Cần có những biện pháp ứng xử phù hợp. 

Nt Minh Thùy, dòng Đa Minh Rosa de Lima

_______________________________________________________

1  GS TS Trần Trí Dõi, “Giáo trình lịch sử tiếng Việt”, Nxb GDVN, 2011. Trang 254 - 255.

2  PGS TS Võ Xuân Hào, Trường Đại học Quy Nhơn (Bài phát biểu tại Hội thảo).

Phạm Văn Sơn, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945), trang 390.

4  Phạm Trọng Báu, Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb Giáo dục, 2006, trang 51-52.

5  Di sản Hán Nôm Việt Nam, thư mục đề yếu do Viện Hán Nôm biên soạn với sự cộng tác của nhóm học giả Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993.

Tin bài liên quan
Sample Article

Lịch sử đầy sóng gió của chữ quốc ngữ

Ngày 1-1-1882, chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6-4-1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” do thống đốc Nam kỳ Lafont ký.

Sample Article

Cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam lên hạng vô giá

Cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam in năm 1651, tại Roma (Italia), đã tồn tại 366 năm và được lưu giữ trong nhà thờ Mằng Lăng (Tuy An, Phú Yên). Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ, chữ viết tiếng Việt chính thức đang dùng hiện nay. Cuốn sách quý này vừa mới đây được đưa vào hồ sơ đề xuất kỷ lục Việt Nam – giá trị vượt lên mọi sự định giá trước đó.