Thử giải thích một số tục ngữ, thành ngữ thông dụng

Trong tiếng Việt có một số thành ngữ, tục ngữ có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, khiến nhiều người không hiểu đúng hoặc đôi khi xảy ra các cuộc tranh luận gay gắt.

            Trước hết là câu: “Ăn đưa xuống, uống đưa lên”. Câu này hướng dẫn chúng ta cách ăn và cách uống trong lúc tham dự những bữa ăn tập thể như dự tiệc tùng hay cưới hỏi theo phép xã giao thông thường. “Ăn đưa xuống” khuyên chúng ta không nên bưng cái chén ăn liên tục mà thỉnh thoảng phải đặt chén xuống bàn, chờ mọi người cùng ăn với mình. Còn “uống đưa lên” khuyên chúng ta chốc chốc phải đưa ly rượu lên mời mọi người cùng uống cho vui vẻ, thân thiện.

            Khi nói về số phận của các cô gái may mắn lấy được người chồng tốt, tử tế hoặc bất hạnh vớ phải người chồng xấu, hư hỏng, người ta thường nói: “Con gái mười hai bến nước”. Cụm từ “mười hai bến nước” thường được gán với 1 trong 12 tuổi “tí, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi” của người chồng. Và người con gái nào hên lấy chồng hợp tuổi, tử tế, làm ăn thịnh vượng, hạnh phúc; còn xui thì vớ phải người chồng không lo làm ăn mà chỉ biết nhậu nhẹt, cờ bạc, nhà tan cửa nát.

            Chúng tôi nghĩ khác. Có lẽ ban đầu tục ngữ này có dạng 5 chữ“Con gái hai bến nước”. Bởi lẽ chúng ta còn có một câu tục ngữ đồng nghĩa với tục ngữ trên, dưới dạng lục bát, là:

Con gái có hai bến sông

Bến đục thì chịu, bến trong thì nhờ.

Như vậy, chỉ có hai bến: “bến đục” chỉ sự bất hạnh; “bến trong” chỉ sự hạnh phúc, may mắn. Mà một đặc trưng phổ biến của các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam là mỗi câu có hai vế có số tiếng bằng nhau, đối xứng nhau cho nhịp nhàng, cân đối theo các dạng sau đây:

-2-2: lên voi, xuống chó; đầu tắt, mặt tối; vào luồn, ra cúi;…

-3-3: cha làm thầy, con bán sách; ông nói gà, bà nói vịt; ăn cơm chúa, múa tối ngày;…

-4-4: lạc đàng theo chó, lạc ngõ theo trâu; ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ; …

Nhưng tục ngữ đang đề cập “Con gái hai bến nước” có hai vế không cân xứng 2-3 nên khó nhớ, khó thuộc, buộc người nói phải thêm một tiếng, tạo ra nhịp 2-2-2 hoặc 2-4: Con gái mười hai bến nước.

Tóm lại, vì cần tạo ra sự nhịp nhàng, cân đối, nên câu tục ngữ trên đã bị biến dạng, khó hiểu nên người ta đã hiểu một cách khác hẳn ban đầu.

Một thành ngữ khác cũng gây ra nhiều cách hiểu khác nhau: “Nghèo rớt mồng tơi”. Theo cách hiểu của chúng tôi, âm gốc của thành ngữ này là “nghéo rớt vành tơi”. Sở dĩ vành tơi bị hiểu chệch thành mồng tơi vì mồng tơi là món ăn hằng ngày, quen thuộc; còn cái tơi là vật dụng chỉ sử dụng khi có mưa gió; và thanh mây uốn tròn thành cổ áo tơi rất chắc mà cái tơi cũ đến nổi cái vành mây cũng rớt ra luôn. Vậy, nghèo rớt vành tơi là nghèo đến nỗi cái cổ áo tơi cũng rớt ra.

Nói về quan hệ hôn nhân là câu tục ngữ “Ăn hết mất con, ăn còn mất vợ”. Ăn hết mất con là khi bên nhà trai đem lễ vật sang nhà gái để biếu, nếu nhà gái nhận tất cả lễ vật là coi như đã dứt khoát đồng ý gả con cho đàng trai, coi như “mất con gái”. Còn ăn còn mất vợ là khi nhà gái chỉ nhận một phần sính lễ là coi như chưa nhất quyết gả con gái cho nhà trai nên có khả năng chàng trai “mất vợ”.

Tục ngữ là những kinh nghiệm sống, ứng xử khôn ngoan của con người, được đúc kết ngăn gọn, súc tích nên đôi khi khó hiểu, dễ gây tranh luận. Bởi vậy, nếu muốn hiểu đúng, hiểu đủ ý nghĩa của các tục ngữ, thành ngữ con người phải có kinh nghiệm, có sự hiểu biết về đặc điểm, lắt léo của tiếng mẹ đẻ./.

Lê Trung Hoa, Kiến thức ngày nay, số 935.

Tin bài liên quan
Sample Article

Các từ của các dân tộc anh em phía Nam trong tiếng Việt

Dân tộc Kinh sống cộng cư với 53 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S qua hàng nghìn năm. Do điều kiện địa lý và lịch sử đặc biệt đó, dân tộc Kinh đã tiếp thu khá nhiều từ của các ngôn ngữ dân tộc anh em. Trong số các dân tộc này, hai dân tộc phía Nam có ngôn ngữ tiếp xúc nhiều với tiếng Việt là tiếng Chăm và tiếng Khơ-me.

Sample Article

Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ (1651) và những ảnh hưởng của nó trong việc miêu tả ngữ pháp tiếng Việt

Alexandre De Rhodes (1591-1660) là một giáo sĩ Dòng tên, người Pháp và sinh ở Avignon. Ông học hành ở Roma. Ông sống và truyền đạo ở Cochichine (Trung và Nam Kỳ) hơn ba năm (1624-1627), sau đó ông đi Tonkin (Bắc kỳ) và ở đó khoảng ba năm (1627-1630). Ông rời Annam đến sống ở Macao mười năm (1630-1640). Ông trở lại Cochichine sau 13 năm và ở lại đó bốn năm (1640-1645) trước khi ông sang Ba Tư.