Những đặc trưng cơ bản nhất của tiếng Việt

Tóm tắt: Trong bài này, chúng tôi cố gắng khái quát 12 đặc trưng cơ bản của tiếng Việt về nguồn gốc, ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Mục đích chính của bài viết là nhằm cung cấp cho người đọc những tri thức cơ bản nhất về tiếng Việt mà rất nhiều người không có chuyên môn ngôn ngữ học thì lại không nắm được. Những tri thức này được trình bày bằng lối diễn đạt đơn giản, giúp người đọc hiểu rõ hơn nhiều đặc trưng của tiếng Việt đồng thời góp phần trang bị cho những người Việt Nam làm công tác đối ngoại thuận tiện giới thiệu về ngôn ngữ của đất nước mình.

Abstract: In this paper, I try to generalize 12 fundamental characteristics of the Vietnamese language in terms of origin, phonetics, vocabulary, and grammar. The main purpose of the article is to provide the reader with the most basic knowledge about the Vietnamese language that many people without linguistic expertise do not grasp. This knowledge is presented in a simple manner, helping readers better understand many characteristics of the Vietnamese language while providing Vietnamese foreign affairs personnel the tools to confidently introduce the country’s language.

Từ khoátiếng Việt, đặc trưng, cơ bản, nguồn gốc, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp

Key words: Vietnamese, characteristic, fudametal, origin, phonetics, vocabulary, grammar

1. Đặt vấn đề

Chúng ta vẫn thường nghe và nói “tiếng Việt giàu và đẹp” và cũng cảm thấy như thế nhưng cụ thể giàu và đẹp ở chỗ nào thì không nhiều người nói ra được. Người ta chỉ biết nói kiểu như là, ừ tiếng Việt hay thật, lạ thật, nghe kiểu nó không giống tiếng nào hết nhưng nếu bảo giải thích thì không giải thích được hoặc giải thích “qua loa”. Chẳng hạn, vừa nói “Đây là chó” rồi lại nói “Đây là con chó”, vừa nói “Tôi thích chó” rồi lại nói “Tôi thích thịt chó”, nhưng không thấy nói “Tôi thích con chó”, v.v.

Các sách ngữ pháp tiếng Việt, cũng như các giáo trình ngôn ngữ học từ trước đến nay thường nhấn mạnh đến 4 đặc trưng cơ bản của tiếng Việt là: đơn tiết, không biến hình; sử dụng hư từ; sử dụng trật tự từ; sử dụng trọng âm và ngữ điệu.

Các sách chuyên ngành đều nêu khá kĩ những đặc trưng đó, tuy nhiên, đó là những tài liệu chuyên ngành, không nhiều người hiểu được. Vì vậy đa số người Việt đều thấy khó khăn khi cần giới thiệu một cách ngắn gọn nhưng lại đầy đủ, toàn diện về tiếng Việt. Những người Việt khi tiếp xúc với người nước ngoài muốn trả lời những nét khái quát về tiếng Việt, nhất là những nhà ngoại giao Việt Nam trong các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thường gặp khó khăn vì thiếu một tài liệu hướng dẫn dễ hiểu nhưng lại bao quát đầy đủ những nét cơ bản nhất của tiếng Việt.

Với mong muốn có thể đáp ứng những nhu cầu đó, chúng tôi viết bài này, nêu lên 12 đặc trưng cụ thể, mong đem đến những tri thức vừa khái quát, lại có phần cụ thể về tiếng Việt, để người quan tâm thì đọc và có thể hiểu được những nét cơ bản nhất về nguồn gốc, đặc điểm, chữ viết của nước mình ngõ hầu đưa đến một cái nhìn mạch lạc hơn về tiếng Việt, để người Việt nói chung có thể tự tin hơn khi nói về bản ngữ của mình.

2. Mười hai đặc trưng cơ bản của tiếng Việt

(1) Tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ Nam Á

Đây là một họ ngôn ngữ lớn trong 5 họ ngôn ngữ tại vùng Đông Nam Á. 4 họ còn lại là: họ ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian), cũng được gọi là họ Mã Lai – Đa Đảo (Malayo – Polynesian), họ ngôn ngữ Thái – Ka đai (Tai – Kadai), họ ngôn ngữ Hán – Tạng, họ ngôn ngữ Mèo-Dao (Mông – Dao). Nói một cách dễ hiểu thì tiếng Việt cùng họ với tiếng Khmer chứ không phải là tiếng Thái, tiếng Lào, càng không phải là tiếng Trung Quốc, mặc dù tiếng Việt có nhiều từ Hán Việt và bà con gần nhất của tiếng Việt là tiếng Mường. Để xác định được nguồn gốc của một ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học lịch sử thường căn cứ vào lớp từ cơ bản. Tiếng Việt có nhiều từ cùng gốc với tiếng Mường, thậm chí phát âm gần tương đương, nhất là một số từ thuộc phương ngữ Nghệ – Tĩnh. Ví dụ: 

Việt ni*, này ngay**, ngày đi tay chưn***, chân bốn
Mường ni ngày ti tay chân puốn
Khmer nih th’ngay tâu đay chơng buôn

* ni (Nghệ Tĩnh); ** ngay (Nghệ Tĩnh), ***chưn (Nghệ Tĩnh)

(2) Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu

Nói chung, tiếng Việt phương ngữ Bắc có 6 thanh; tiếng Việt phương ngữ Bắc Trung bộ có 5 thanh: những từ mang thanh ngã nhập với thanh nặng, ví dụ người Nghệ nói: “đã” thành “đạ”, “xã” thành “xạ”“bã” thành “bạ”; tiếng Việt phương ngữ Nam có 5 thanh: những từ mang thanh hỏi có xu hướng nhập với thanh ngã, ví dụ: “hỏi” thành “hõi”, “dẻo” thành “dẽo”, “thoải mái” thành “thoãi mái”. Đặc trưng thanh điệu tạo nên một phẩm chất riêng của tiếng Việt. Dĩ nhiên cũng có nhiều ngôn ngữ khác cũng có thanh điệu như tiếng Hán, tiếng Thái, tiếng Lào… Tuy nhiên, với 6 thanh điệu của tiếng Việt, cha ông ta từ xưa đã dựa vào luật bằng trắc để tạo nên thể thơ lục bát thật tài tình, góp phần hình thành kho tàng ca dao Việt, tạo nên nguồn dữ liệu dường như vô tận của những lời ru mà mỗi người con Việt đều được Mẹ ru “ầu ơ” từ thuở mở mắt chào đời. 

(3) Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết, không biến hình

Đơn âm tiết/đơn tiết, “không biến hình” là thuật ngữ chuyên môn, hơi khó hiểu. Vì vậy cần giải thích cụ thể hơn cho dễ hiểu: “đơn tiết” tức là mỗi tiếng là một âm tiết, “không biến hình” từ của tiếng Việt không thay đổi hình thức dù ở bất cứ cương vị nào. Ví dụ, so sánh động từ “to go” trong tiếng Anh và động từ “đi” trong tiếng Việt: trong tiếng Anh, động từ “to go” quá khứ thì dùng “went”, hiện tại dùng “go” cho các ngôi trừ ngôi 3 số ít thì lại dùng “goes”; trong khi đó từ “đi” của tiếng Việt sẽ không thay đổi ở bất cứ thời gian nào hay chủ ngữ của nó là ai. Đây là đặc điểm rất quan trọng của tiếng Việt, nó vừa dễ vừa khó đối với người nước ngoài. Dễ là họ không cần phải nhớ sự thay đổi hình thức của từ theo sự biến đổi ngữ pháp, nhưng khó ở chỗ, tiếng Việt khó xác định từ loại khi từ chưa hoạt động trong câu.

(4) Tiếng Việt là ngôn ngữ có loại từ/danh từ đơn vị

Đây là những từ đứng trước “danh từ”, để chỉ loại cho danh từ như con, cái, quyển, chiếc, bức, tấm, tờ… (tiếng Việt có khoảng 200 từ có thể đảm nhận chức vụ này). Người Việt dùng “loại từ”/ “danh từ đơn vị” một cách tự nhiên, nhưng nó lại là đơn vị khó sử dụng đúng đối với người nước ngoài. Điều quan trọng là người Việt dùng loại từ khi nói đến những sự vật cụ thể, có con số, có chỉ định (ví dụ: con gà này, cái bàn kia). Loại từ sẽ không được dùng khi danh từ đó chỉ đến giống loài chung: “Bò (là) loài động vật nhai lại, chân có hai móng, sừng rỗng và ngắn, nuôi để lấy sức kéo, ăn thịt hay lấy sữa.” [Hoàng Phê, chủ biên, 2020], theo đó, người Việt không nói: “Con bò là loài động vật nhai lại…”. 

Đoạn thoại sau có thể cho thấy rõ hơn việc dùng và không dùng loại từ của tiếng Việt:

Hôm qua thấy anh ở chợ. Anh đi chợ làm gì thế?
Tôi đi mua cá. (không nói mua con cá)
Thế à. Anh mua mấy con [cá]?
– Tôi mua 2 con.

(5) Tiếng Việt là ngôn ngữ có hệ thống từ xưng hô phong phú

Một số ngôn ngữ ở Đông Nam Á cũng có hệ thống từ xưng hô khá phong phú và tiếng Việt là một biểu hiện rất đặc biệt. Đây là điều góp phần tạo nên bản sắc của tiếng Việt. (Có người nước ngoài đã nói, cái khó của tiếng Việt chính là khi nào dùng “anh”, khi nào dùng “em” khi nào dùng “tôi”,…). Thực sự hệ thống từ xưng hô giúp cho giao tiếp tiếng Việt có một bản sắc riêng mà người nước ngoài rất khó nắm bắt được nét tinh tế trong đó. Nếu chúng ta quan sát quá trình thay đổi cách xưng hô của một cặp nam nữ, nam ít hơn nữ 5 tuổi sẽ thấy cả một sự chuyển hóa quan hệ thú vụ: lúc đầu xưng “chị” – “em” sau một thời gian thì “ông” “tôi” / “bà” “tôi” và khi chuyển sang “em” và “anh” thì họ đã chuẩn bị đám cưới. Đối với người nước ngoài, việc làm chủ hệ thống từ xưng hô là một rào cản vô cùng khó khăn, nó cũng là thước đo khá chuẩn cho sự thành thạo về giao tiếp tiếng Việt của người nước ngoài. Tôi nhớ mãi kỉ niệm về một câu trong một bài tập làm văn của một cô sinh viên Campuchia 22 tuổi viết về thầy giáo như sau: Thầy giáo tôi tên là Nam. Năm nay nó 30 tuổi. Nó rất hiền và thông minh. 

(6) Tiếng Việt là ngôn ngữ có trật tự từ SVO (chủ ngữ, động từ, bổ ngữ)

Ví dụ: Tôi ăn cơm, tuy nhiên, trật tự định ngữ lại khác với tiếng tiếng Anh, tiếng Hán, so sánh: Tôi ăn cơm Việt; I eat Vietnamese food 我吃越南菜). Tính từ trong tiếng Việt có thể trực tiếp làm vị ngữ như động từ, ví dụ: Cơm này ngon. Tiếng Việt dễ.

Tiếng Việt sử dụng phương thức ngữ pháp trật tự từ như một phương thức ngữ pháp rất cơ bản. Trật tự từ thay đổi thì ý nghĩa thay đổi. Chỉ với 5 từ: sao, bảo, nó, không, đến, có thể tạo nên 49 câu có nghĩa. Ví dụ:

– Sao bảo nó không đến?
Sao nó đến không bảo?
Sao bảo không đến nó?
Sao đến nó bảo không?
Sao nó không đến bảo?
Sao? Bảo nó đến không?
Sao? Đến bảo nó không?
Sao không đến bảo nó? 
Sao? Nó bảo đến không?
Sao? Bảo nó đến không?
Sao đến không bảo nó?
Sao không bảo nó đến?
– Nó bảo sao không đến?
Nó đến, không bảo sao?
Nó đến, bảo sao không?
Nó không bảo đến sao?
Nó bảo không đến sao?
Nó đến, sao bảo không?
Nó đến, bảo sao không?
Nó không đến bảo sao? 
Nó đến, sao không bảo?
Nó đến bảo không sao!
Nó đến bảo sao không? 
– Bảo sao nó không đến?
Bảo nó: đến không sao.
Bảo đến sao nó không?
Bảo! Không đến nó sao?
Bảo! Sao không đến nó?
Bảo nó đến sao không?
Bảo đến nó không sao!
Bảo nó sao không đến?
Bảo nó không đến sao?
Bảo không, sao nó đến? 
Không sao! Bảo nó đến.
Không bảo sao nó đến.
Không đến bảo nó sao?
Không! Nó bảo sao đến?
Không bảo nó đến sao?
Không! Nó đến bảo sao?
Không đến sao nó bảo?
Đến! Sao nó bảo không
Đến nó không bảo sao.
Đến bảo sao nó không
Đến! Sao bảo nó không?
Đến nó sao không bảo?
Đến không bảo nó sao?
Đến nó bảo không sao.
Đến bảo nó không sao!
Đến không? Bảo sao nó…

(7) Tiếng Việt sử dụng hư từ như một phương thức ngữ pháp rất cơ bản

Khi nói đến khái niệm “hư từ” thì cũng cần nói đến khái niệm “thực từ” để có sự đối sánh, dễ hiểu hơn. Thực từ trong tiếng Việt là “từ có ý nghĩa từ vựng độc lập và có khả năng làm thành phần câu, danh từ, tính từ, động từ là những thực từ” [Hoàng Phê, chủ biên, 2020]. Hư từ tiếng Việt là những “từ không có chức năng định danh, không có khả năng độc lập làm thành phần câu, được dùng để biểu thị quan hệ ngữ pháp giữa các thực từ; phân biệt với thực từ. Đã, đang, sẽ là những hư từ” [Hoàng Phê, chủ biên, 2020]. Cụ thể hơn, hư từ tiếng Việt thường xuất hiện trong các kết cấu danh ngữ (cụm danh từ-noun phrase), động ngữ (cụm động từ-verb phrase), tính ngữ (cụm tính từ-adjective phrase). Các ngữ đoạn này chứa các phụ từ ở trước và sau từ trung tâm (danh từ, động từ, tính từ) cùng với hệ thống giới từ, liên từ, trợ từ, ngữ khí từ. Ví dụ:

Hư từ trong danh ngữ: tất cả, cả, toàn bộ, tất thảy, toàn thể; những, các, mọi, mỗi, từng; cái, con, quyển, chiếc…; này, kia, ấy, đó, nọ.

Hư từ trong động ngữ: không, chưa, chẳng, đã, đang, sẽ, đều, cũng, vẫn, cứ, còn, nhỡ, trót, nên, cần, phải, ra, thấy, được, mất, hết, xong, rồi,…

Hư từ trong tính ngữ: hầu hết các hư từ trong động ngữ đều có thể xuất hiện trong tính ngữ (trừ nhóm “hãy, đừng, chớ”) rất, quá, lắm, hơi, khá, thậm…

Một số giới từ: của, mà, do, để, theo, cho, cùng…

Một số liên từ: và, hay, hoặc, nếu, nhưng, tuy…

Hệ thống hư từ này rất quan trọng, tạo nên bộ khung ngữ pháp của tiếng Việt.

(8) Tiếng Việt là ngôn ngữ có nhóm hư từ tình thái cuối câu khá phong phú

Nhóm từ này có cách dùng tinh tế, góp phần tạo nên bản sắc đặc biệt của tiếng Việt mà nếu thiếu đi nhóm từ này thì tiếng Việt sẽ trở nên “vô hồn”, và nếu dùng không phù hợp thì cũng có thể tạo nên những bất ngờ. Đó là những từ như: à, ư, nhỉ, nhé, chứ, hả (hở), đấy, ấy (í), cơ, cơ mà, mà, mà lại… Tôi nhớ có lần tôi nhận được tin nhắn của một sinh viên nước ngoài: “Bây giờ thầy có đang ở Khoa không hả?” thì tôi bật cười vì việc em ấy đã chưa dùng đúng “ngữ dụng” của từ “hả?”. Chúng ta chỉ cần so sánh 2 câu: Kia là nhà gì hả? và Kia là nhà gì hả anh? thì chúng ta đã rõ sự khác nhau giữa “hả?” và “hả anh?” là như thế nào rồi.

(9) Tiếng Việt cũng sử dụng ngữ điệu và trọng âm như một phương thức ngữ pháp

Đặc trưng này cũng tạo nên bản sắc riêng của tiếng Việt. Câu “Đêm hôm qua cầu gãy” thì tuỳ cách ngắt nhịp và nhấn trọng âm có thể hiểu: “Đêm hôm / qua cầu gãy” hoặc “Đêm hôm qua / cầu gãy”. 

Ngữ điệu tiếng Việt có thể chuyển một câu khẳng định thành một câu mang ý nghĩa phủ định, phản bác dù với số lượng từ như nhau:

A: Món này ngon lắm.

B: Món này ngon lắm (với ngữ điệu kéo dài việc phát âm “ngon” kèm theo hành vi ngoài ngôn ngữ là bĩu môi chẳng hạn).

(10) Tiếng Việt có hệ thống từ vay mượn từ tiếng Hán rất lớn

Xét về mặt nguồn gốc, từ tiếng Việt được chia làm 3 loại: từ thuần Việt, từ Hán Việt và từ vay mượn. Từ thuần Việt là những từ có nguồn gốc từ tiếng Việt xa xưa, từ giai đoạn ngôn ngữ Việt Mường, tiền Việt Mường, từ giai đoạn “Môn-Khmer”. Từ Hán Việt là những từ mượn từ tiếng Hán, qua nhiều thời kì lịch sử, đã được Việt hoá về mặt phát âm, có sự phát triển ngữ nghĩa theo xu hướng phát triển của từ vựng tiếng Việt. Từ vay mượn/từ ngoại lai là những từ được mượn từ tiếng Pháp, tiếng Anh,… Đây là những từ mà tiếng Việt không có nên phải mượn, ví dụ: xích, líp, săm, lốp, xà phòng… (mượn từ tiếng Pháp), phây búc, meo (mượn từ tiếng Anh).

Từ Hán Việt được cho là chiếm khoảng 60-70 phần trăm lượng từ trong tiếng Việt, điều này tương tự như tiếng Triều Tiên/tiếng Hàn và tiếng Nhật mượn từ Hán vậy, tuy nhiên, mỗi thứ tiếng có những điểm chung và điểm riêng khi mượn như vậy. Con số 60-70 phần trăm chỉ là một con số ước chừng. Thực tế, tùy loại văn bản mà lượng từ thuần Việt hay Hán Việt sẽ nhiều, ít khác nhau. Chúng ta sẽ thấy trong các văn bản như truyện ngắn, tiểu thuyết hay hội thoại hàng ngày, lượng từ thuần Việt được sử dụng rất cao. Trong các văn bản khoa học, chính trị, pháp luật, kinh tế… thì lượng từ Hán Việt lại được sử dụng với tỉ lệ áp đảo. Theo thống kê trong luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị Ly Na (2019) thì lượng từ Hán Việt trong 5 bản Hiến pháp của Việt Nam có con số cụ thể như sau: Hiến pháp 1946: 76%; Hiến pháp 1959: 87%; Hiến pháp 1992 sửa đổi 2001: 88,3%; và Hiến pháp 2013: 89,6%.

(11) Tiếng Việt có hệ thống từ láy phong phú

Hệ thống từ láy này tạo nên hồn cốt riêng của nó mà nếu thiếu đi hệ thống từ láy này, chúng ta đã không thể có nền văn chương Việt với bao tác phẩm thơ ca rung động lòng người, không thể có Truyện Kiều bất hủ với hàng trăm lượt từ láy được sử dụng. Hãy đọc những câu thơ được gọi là “tuyệt bút” trong Truyện Kiều để thấy được “từ láy” đã giúp Nguyễn Du thể hiện tâm trạng Thúy Kiều và khung cảnh lầu Ngưng Bích ra sao:

Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Người Việt cũng đã dựa vào từ láy và thanh điệu để tạo ra nhiều lối nói lái, chơi chữ điêu luyện đem đến những cảm giác đặc biệt cho người bản ngữ. Ví dụ, từ Mơ đi đến Vọng là “mong vợ”, từ Vọng đi đến Mơ là “vợ mong”.

(12) Tiếng Việt sử dụng chữ “Quốc ngữ”

Chữ Quốc ngữ là loại chữ viết sử dụng các chữ cái Latinh và một số dấu phụ để ghi lại tiếng Việt. Trước khi chữ Quốc ngữ được sử dụng chính thức từ năm 1945 thì Việt Nam đã từng sử dụng chữ Pháp, và trước nữa là chữ Hán (chính thức), chữ Nôm (văn chương). Các tiếng trong tiếng Việt được viết rời, tức là mỗi chữ bằng một âm tiết, đọc lên ngang với một tiếng, ví dụ: trong câu “Tôi học tiếng Việt” có 4 tiếng được viết tách rời nhau.

Âm và chữ trong tiếng Việt hiện vẫn có một số trường hợp không đồng nhất. Ví dụ nguyên âm /ă/ gọi là a ngắn được viết thành chữ ă, nguyên âm /ə̆/ gọi là ơ ngắn được viết thành chữ â, còn nguyên âm /ɔˇ/ o ngắn cũng được viết thành chữ o nhưng chỉ ở trong hai vần “ong” và “óc”. Những ngôn ngữ không có nguyên âm tương đương “o” ngắn thì người bản ngữ của ngôn ngữ đó khi học tiếng Việt sẽ khó phát âm đúng. Ví dụ sinh viên Lào phát âm “học” thành “hoọc”, “đọc” thành “đoọc”. Ngoài ra, điều khá khó hiểu với người không có chuyên môn ngôn ngữ học là nguyên âm /εˇ/ gọi là ngắn lại được viết thành chữ a trong vần “anh” và “ách”. Người nước ngoài học tiếng Việt sẽ khó phát âm nguyên âm này trong tiếng Việt nếu bản ngữ của họ không có âm gần tương đương. Ví dụ: sinh viên Trung Quốc thường phát âm “anh” thành “eenh”, “xanh” thành “xeenh”.

Điều này gây nhầm lẫn cho đại bộ phận người Việt khi bối rối về cách đọc chữ và âm. Đặc biệt đối với một số phụ âm được ghi thành nhiều con chữ khác nhau tùy theo kết cấu âm tiết.

Ví dụ âm /k/ (cờ) trong tiếng Việt được ghi thành 3 con chữ trong 3 trường hợp khác nhau: ghi thành chữ “k” (chữ ca) khi đứng trước các nguyên âm i, ê, e; ghi thành chữ “q” (chữ quy) khi đứng trước âm đệm do có nguyên nhân riêng của nó, hay trường hợp đặc biệt như “quốc” (trong “tổ quốc”) và “cuốc” trong “cái cuốc”.

Các sách giới thiệu về tiếng Việt cần có phần viết thật dễ hiểu, thật rõ về nội dung này. Đây là phần mà nhiều người Việt Nam thường dễ nhầm lẫn nhất.

3. Kết luận

Trên đây là 12 đặc trưng cơ bản góp phần tạo nên bản sắc của tiếng Việt, góp phần truyền tải, lưu giữ phát triển cả một nền văn hoá. Trong 12 đặc trưng đó, có những đặc trưng có thể là minh chứng rất rõ ràng cho sự phong phú, chặt chẽ, giàu đẹp của tiếng Việt. 

Thực sự thì chúng ta đã có khá nhiều công trình nghiên cứu công phu về tiếng Việt đủ mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, đó hầu hết là những công trình có chuyên môn sâu, đòi hỏi người đọc phải có kiến thức chuyên ngành. Điều mà chúng ta còn thiếu hiện nay là những tài liệu ở dạng phổ biến khoa học, giới thiệu đơn giản, tương đối ngắn gọn về tiếng Việt để cho hàng chục triệu người Việt Nam có thể đọc hiểu được. Một cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt” dạng phổ biến khoa học, đọc dễ hiểu đang là nhu cầu cấp thiết ở Việt Nam. Đại bộ phận người Việt không theo chuyên ngành ngôn ngữ học, cần đọc những cuốn sách viết về tiếng Việt theo lối viết dễ hiểu kiểu như “Văn phạm Việt Nam” của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm (1937), Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi (1955), hay phần nào đó như “Ngữ pháp tiếng Việt” của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1983).

Theo ý kiến của chúng tôi, hiện nay các nhà Ngôn ngữ học Việt Nam cần viết một cuốn giới thiệu chung về tiếng Việt, có đủ các địa hạt nhưng nên được viết với lối viết kiểu phổ biến khoa học, giản dị, đúng và dễ hiểu nhằm giúp người Việt có thể hiểu để từ đó yêu tiếng Việt hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Ngữ pháp tiếng Việt – tiếng, từ ghép, đoản ngữ. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
  2. Nguyễn Văn Khang, chủ biên (2002), Từ điển Mường – Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  3. Trần Trọng Kim cùng làm với Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm, (1937) Việt Nam văn phạm, bản in lần thứ năm, Nxb Sách giáo khoa Tân Việt, Sài Gòn.
  4. Phan Khôi (1955), Việt ngữ nghiên cứu, Nxb Văn nghệ, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Ly Na (2019) Đặc điểm ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, Luận án Tiến sĩ đã bảo vệ.
  6. Hoàng Phê, chủ biên (2020), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
  7. Đoàn Thiện Thuật (1977), Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
  8. Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1983), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tin bài liên quan
Sample Article

Các từ của các dân tộc anh em phía Nam trong tiếng Việt

Dân tộc Kinh sống cộng cư với 53 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S qua hàng nghìn năm. Do điều kiện địa lý và lịch sử đặc biệt đó, dân tộc Kinh đã tiếp thu khá nhiều từ của các ngôn ngữ dân tộc anh em. Trong số các dân tộc này, hai dân tộc phía Nam có ngôn ngữ tiếp xúc nhiều với tiếng Việt là tiếng Chăm và tiếng Khơ-me.