Huyền thoại về cấu trúc nghĩa của từ
Năm 1992 trên số 1 của tạp chí Ngôn ngữ [6], Gíao sư V.M.Solncev - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học CH Liên bang Nga, nguyên Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, trong bài viết của mình đã nêu 4 huyền thoại ngôn ngữ học: 1) “ Ngôn ngữ truyền đạt ý nghĩ”; 2) “Ngôn ngữ phản ánh thế giới bên ngoài”; 3) “Ngôn ngữ cấu trúc thế giới bên ngoài cho người sử dụng ngôn ngữ”; 4) “Âm thanh trong ngôn ngữ là hình thức, còn ý nghĩa là nội dung”. Giáo sư V.M Solncev đã viết:“Trong ngôn ngữ học, trong các luận thuyết được phổ biến rộng rãi trong đời sống khoa học, có những điều khẳng định mặc dầu được xem là quá rõ ràng nhưng thực tế là không phù hợp với hiện thực ngôn ngữ học. Xem xét kĩ những điều khẳng định đó thì thấy đó là những điều nguỵ tạo, giải thích không đúng đắn kiến trúc hoặc đặc tính của ngôn ngữ. Thế nhưng người ta lại tin vào chúng như là chân lí vô điều kiện và không cần phải kiểm nghiệm” và” “Sự cảm nhận như thế đối với những điều khẳng định này rất giống với cái gọi là sự cảm nhận huyền thoại (một sự cảm nhận xuyên tạc không có kiểm nghiệm mà chỉ dựa vào đức tin) đối với các sự kiện hay là các hiện tượng khác nhau của hiện thực. Do đó mà có thể gọi những điều khẳng định này là các huyền thoại ngôn ngữ học( chỗ nhấn mạnh là của GS V.M Solncev) [6, 14].
Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi mượn lời của ông để nêu thêm huyền thoại nữa liên quan đến một quan điểm lí thuyết ngữ nghĩa học hiện đại rất nổi tiếng. Đó là huyền thoại về cấu trúc nghĩa của từ.
Như chúng ta biết, theo ngữ nghĩa học hiện đại, ý nghĩa của từ lập thành một cấu trúc, bao gồm một số nghĩa vị (hay còn được gọi là nét nghĩa) được kết hợp với nhau theo quy tắc nhất định, chi phối và quy định lẫn nhau. Chính vì thế U. Weinreich đã viết: “Mong muốn phân tích một nghĩa tổng quát ra những thành tố và xác lập một cấp hệ giữa các thành tố, luôn luôn là một trong những động cơ chủ yếu của nghiên cứu ngữ nghĩa"[15].Tuân theo tư tưởng lí thuyết đó, trong bài viết của mình trên tạp chí Ngôn ngữ số 2 năm 1975 [4], giáo sư Hoàng Phê đã vận dụng phân tích ngữ nghĩa của từ và đi đến khẳng định: “Thật ra , quan hệ cấp bậc tồn tại nói chung giữa các nét nghĩa của từ, dù nghĩa từ có hay không có thành phần tiền giả định” và “ Giữa các nét nghĩa này có một quan hệ trật tự nhất định (Hoàng Phê nhấn mạnh-NĐT): a,b, c. Đó là một loại quan hệ lôgích: nét nghĩa đứng trước là tiền đề cho nét nghĩa đứng sau(…); nét nghĩa đứng sau thuyết minh cho nét nghĩa đứng trước, “phụ nghĩa” cho nét nghĩa đứng trước. Quan hệ trật tự quy định lẫn nhau này giữa các nét nghĩa là một loại quan hệ tĩnh trong nội bộ nghĩa của từ, xét một cách cô lập. Nhưng còn có một loại quan hệ khác quan trọng hơn nhiều : đó là những quan hệ động trong tổ hợp, những quan hệ cấp bậc giữa các nét nghĩa, xét về mặt giá trị thông báo, về mặt chức năng và hoạt động của các nét nghĩa khi từ tham gia một ngữ. Giữa hai loại quan hệ, trật tự và cấp bậc, không nhất thiết có sự tương ứng, mà trái lại thường có mâu thuẫn”[4,15].
Trên cơ sở phân tích ngữ nghĩa của các từ đại diện, giáo sư Hoàng Phê đã đi đến kết luận : “Nghĩa của từ, nói chung:
a) là một tập hợp những nét nghĩa có quan hệ quy định lẫn nhau;
b) giá trị của các nét nghĩa không như nhau (giữa các nét nghĩa có quan hệ cấp bậc), biểu hiện ở khả năng tham gia khác nhau vào việc thực hiện chức năng thông báo;
c) các nét nghĩa có tính độc lập tương đối, biểu hiện ở khả năng độc lập tổ hợp và tác động qua lại với những nét nghĩa của những từ khác khi từ tổ hợp với nhau.
Cấu trúc của nghĩa từ là một cấu trúc động” [4,14].
Rõ ràng đây là một huyền thoại về cấu trúc nghĩa của từ. Để làm sáng tỏ và chứng minh vấn đề này, trước hết cần phải bàn đến khái niệm cơ bản làm xuất phát điểm của mọi sự phân tích, bàn luận. Đó là nghĩa của từ là gì?
Trong các sách lí luận ngôn ngữ học hiện nay, có rất nhiều quan điểm và định nghĩa khác nhau về nghĩa của từ. Trong số hàng trăm định nghĩa ấy, trên đại thể có thể quy chúng vào hai loại:
Loại thứ nhất: gồm những định nghĩa cho rằng nghĩa của từ là một bản thể nào đó(đối tượng, khái niệm hay sự phản ánh, v.v.). Đó là những định nghĩa kiểu như: “Nghĩa của từ là sự vật, hành động, tính chất ngoài thực tế khách quan mà từ biểu thị” (Nguyễn Văn Tu), "nghĩa của từ là khái niệm" ( P. A. Budagov), "nghĩa của từ là sự phản ánh hiển nhiên của sự vật, hiện tượng hay quan hệ trong ý thức..." (A. I. Smirnickij , Đỗ Hữu Châu), v.v...
Loại thứ hai: gồm những định nghĩa nêu rằng nghĩa của từ là một quan hệ nào đó (quan hệ của từ đối với đối tượng hoặc quan hệ của từ đối với khái niệm v.v.). Chẳng hạn, "nghĩa, đó là quan hệ của từ với sự vật, hiện tượng mà nó biểu thị, đó là quan hệ của sự kiện ngôn ngữ với sự kiện ngoài ngôn ngữ" (A. A. Reformatskij, I.S Barkhuđarôv, Nguyễn Thiện Giáp, v.v…). (Về vấn đề này có thể tham khảo thêm trong [1,119-125]).
Trong ngôn ngữ học hiện đại, quan điểm coi nghĩa của từ là chính cái sự vật, hiện tượng, v.v… mà từ biểu thị đã bị phản bác (x. Nguyễn Thiện Giáp [1, 122-123]). P. H. Nowell - Smith đã chỉ ra: "Nói rằng từ có ý nghĩa không phải chính là nói từ biểu thị một cái gì đó, còn nói ý nghĩa là gì thì không phải là nói nó (tức ý nghĩa - NĐT) biểu thị cái gì" [22, 159]. Còn L. Wittgenstein khẳng định: "Gọi vật tương ứng với từ là ý nghĩa thì cách dùng này của từ ý nghĩa mâu thuẫn với các quy tắc của ngôn ngữ. Điều này có nghĩa là lẫn lộn ý nghĩa của tên gọi với cái mang tên gọi; khi nói ngài NN chết thì người ta có ý nói người mang tên này đã chết chứ không phải ý nghĩa của tên gọi đã chết" [18, 96]. Mặt khác, trong vốn từ của một ngôn ngữ có nhiều kiểu loại từ khác nhau và nghĩa của chúng cũng khác nhau. Cách định nghĩa về nghĩa của từ như nêu trên chỉ mới có thể có vẻ phù hợp với các thực từ (chủ yếu gồm danh từ, động từ và tính từ, v.v.) có nghĩa cụ thể. Còn những từ loại khác như: đại từ (này, kia, ấy, nọ, sao, v.v.), cảm từ (ôi, ái, ối, v.v.), các từ hư (và, nếu, tuy, với, v.v.) thì nghĩa của chúng không lọt được vào các định nghĩa như thế.
Trong cuốn sách Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường [9], chúng tôi đã trình bày quan điểm của mình về khái niệm nghĩa của từ. Theo chúng tôi, nghĩa của từ là một hiện tượng tâm lí, tinh thần, nghĩa của từ là cái xuất hiện (hay được gợi lên) trong trí óc mọi người khi nghe thấy (hoặc đọc) từ ấy. [9,55-56]. Như vậy cũng có nghĩa là nghĩa của từ không thể nhìn thấy, nghe thấy, hay động chạm đến được… bằng năm giác quan. Để hiểu và nhận biết được nghĩa của từ, mỗi người chỉ có thể tự cảm nhận trong trí não. Quan niệm về nghĩa từ của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với quan điểm của A.A. Potebnja – nhà ngôn ngữ học và cũng là nhà tư tưởng Nga nổi tiếng ở thế kỉ XIX. A.A. Potebnja khẳng định:“ Dùng lời không thể truyền đạt được ý nghĩ của mình cho người khác, mà chỉ có thể khơi dậy (chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi – NĐT) cái ý nghĩ cá nhân trong con người đó” [23, 152]. Nhà triết học A.G. Spirkin cũng có ý kiến tương tự khi cho rằng:“Dùng lời nói chúng ta không truyền đạt mà là gây nên (chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi – NĐT) những ý nghĩ tương tự trong đầu của người cảm nhận” [24, 216-217]. Sau này L. Wittgenstein đã chỉ rõ: "Mối tương quan giữa tên gọi và vật được gọi tên như sau: sự tri giác tên gọi bằng thính giác gây nên (chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi – NĐT) trong tâm trí chúng ta hình ảnh của cái được gọi tên" [18, 95].
Theo giáo sư V.M. Solncev, “ý nghĩ của một con người , nếu nói đơn giản đi một tí, là sự tổ hợp các khái niệm tức là các ý nghĩa của từ. “Vỏ âm thanh” của từ là kí hiệu được dùng để chỉ ra những ý nghĩa đó. Trong mỗi ngôn ngữ, một phát âm nhất định (“vỏ âm thanh của từ”) có mối liên hệ quy ước (chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi – NĐT) với một ý nghĩa nhất định (khái niệm). Người ta thường nói rằng từ là đơn vị mà ở đó một ý nghĩa gắn với một phát âm. Nếu nhiều người cùng sử dụng một ngôn ngữ (sự sử dụng một ngôn ngữ nào đó là điều kiện bắt buộc của giao tiếp) thì cùng một ý nghĩa (khái niệm) tồn tại trong đầu của họ liên hệ với cùng một phát âm. Do đó, nếu cá nhân A nói tiếng Nga, phát ra tổ hợp âm D-e-r-e-v-o tương ứng với ý nghĩa (hay khái niệm) cây thì ở tất cả những ai biết tiếng Nga , cái tổ hợp âm thanh này đều khơi dậy cái ý cây ở trong đầu(…). Nếu như trong hoàn cảnh nói tiếng Nga, không có ai nắm được một ngoại ngữ nào mà có ai đó phát ra một tổ hợp âm trong một ngôn ngữ khác tương ứng với ýcây thì trong đầu người nghe không thể hình thành cái ý cây. Chẳng hạn: shu (tiếng Hán), Baum (tiếng Đức), tree (tiếng Anh), cây (tiếng Việt) v.v…(…). Chúng ta không “truyền đạt” cho người khác cái ý cây mà là khơi dậy trong đầu họ cái ý nghĩ cá nhân vềcây. Vì kinh nghiệm sống của mọi người đều khác nhau cho nên chuỗi âm D-e-r-e-v-o có thể gây ra trong đầu của người nghe những biểu tượng không hoàn toàn như nhau trong đầu người nói” [6, 14-15]. “ Một tín hiệu, nếu được một người biết tiếng Nga nghe thấy thì nó sẽ gợi nên trong đầu anh ta về cái ý cây và đồng thời cho anh ta biết rằng trong đầu người nói đã xuất hiện ý cây.
Cái cơ chế của một hành vi thông báo đơn giản nhất là như vậy. Con người giao tiếp không phải bằng những từ riêng lẻ tương ứng với khái niệm mà bằng một chuỗi từ tương ứng với những hình thức khác nhau của ý nghĩ như phán đoán, suy lí v.v…Trong các trường hợp này, cơ chế gợi lên các ý nghĩ tương ứng trong đầu người nghe , về nguyên tắc cũng là thế, chỉ có điều là phức tạp hơn nhiều.”[6,15].
Chúng tôi về cơ bản tán thành với quan điểm của giáo sư V.M. Solncev, nhưng có một điểm khác biệt rất quan trọng sau đây. Như chúng tôi vừa dẫn, giáo sư V.M. Solncev cho rằng:“Trong mỗi ngôn ngữ, một phát âm nhất định (“vỏ âm thanh của từ”) có mối liên hệ quy ước (chúng tôi nhấn mạnh-NĐT) với một ý nghĩa (khái niệm) nhất định" [6, 14]. Còn chúng tôi thì cho rằng trong mỗi ngôn ngữ, một phát âm nhất định (“vỏ âm thanh của từ”) có mối liên hệ theo cơ chế phản xạ có điều kiện (theo học thuyết của nhà sinh lí học Xô - viết I.P. Pavlov) với một ý nghĩa nhất định, chứ không phải là mối liên hệ quy ước.Vấn đề này có liên quan đến nguồn gốc xuất hiện ngôn ngữ nói chung và các từ nói riêng mà chúng tôi sẽ luận giải và chứng minh ngay sau đây.
Theo chúng tôi, khi loài người nguyên thuỷ vừa thoát thai khỏi động vật thì họ chưa thể có đủ vốn từ mà quy ước với nhau để tạo ra từ mới theo kiểu như bây giờ các nhà khoa học quy ước với nhau để tạo ra một thuật ngữ nào đó (chẳng hạn như quy ước dùng tên của người phát minh để gọi phát minh của người đó, ví dụ dùng tên của nhà Vật lí học Đức Ohm Georg Simon (1789-1854) để gọi tên đơn vị điện trở là ôm; hay các thuật ngữ định lí Pitago, vi trùng Cốc…). Bầy người nguyên thuỷ vừa thoát thai khỏi động vật, vẫn như loài vật hiện nay, phải dùng một số âm thanh ít ỏi với tư cách là những tín hiệu để giao tiếp với nhau trong một số hoàn cảnh cực kì cần thiết đối với sự duy trì cuộc sống và giống nòi, chẳng hạn, để báo hiệu cho nhau biết nơi có thức ăn thức uống…, khi có kẻ lạ, khi có nhu cầu giao hoan để duy trì giống nòi…Ý nghĩa của mỗi âm / tín hiệu ban đầu ấy luôn gắn chặt một cách trực quan với hoàn cảnh được sử dụng và được nhận thức, hiểu cụ thể như thế nào là tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh được sử dụng. Trong quá trình tiến hoá, cơ quan cấu âm của con người đã phát triển tới mức đã có thể phát ra được một cách rành rọt và khúc chiết các âm được chia tách ra từ một âm “nhoè” gắn với một hoàn cảnh cực kì rộng lớn ban đầu. Song song với quá trình hoàn thiện hoá cơ quan phát âm này (nhờ chuyển từ thế đi bằng tứ chi sang thế đứng thẳng đi bằng hai chân như F. Engels đã chỉ ra), não của con người cũng được phát triển theo và đã có thể “chia tách” hay khu biệt ra các hoàn cảnh cụ thể hẹp hơn trong cùng một hoàn cảnh rộng lớn. Chẳng hạn: cùng trong hoàn cảnh "có thức nuôi sống cơ thể", có thể tách ra hoàn cảnh "có thức ăn", hoàn cảnh "có nước uống"…; hay hoàn cảnh "có kẻ thù", hoàn cảnh "có bạn" trong cùng hoàn cảnh rộng hơn thông báo "có kẻ lạ xuất hiện" … Quá trình này có thể được xem gần như là quá trình hình thành và chia tách các khái niệm loại thành các khái niệm chủng ở con người hiện đại. Rồi mỗi âm được chia tách ra từ một âm gốc ấy được gắn với một hoàn cảnh hẹp được tách chia ra từ cùng một hoàn cảnh rộng theo cơ chế liên hệ phản xạ có điều kiện. (Về vấn đề này có thể tham khảo thêm ý kiến của viện sĩ Ju. S. Stepanov về hiện tượng biến thể của từ được chúng tôi dẫn ra dưới đây, tuy nhiên ông không nêu cơ chế gắn các biến thể ngữ âm của một từ với các ý nghĩa khác nhau là như thế nào).Hiện tượng chia tách âm và nghĩa này ở con người hiện nay vẫn còn đang xảy ra đối với những trường hợp dịch chuyển âm thanh của một từ gốc để tạo ra các từ mới đồng nghĩa, gần nghĩa thuộc cùng một gốc, tức tạo ra các ổ từ (đây cũng là hiện tượng từ tương tự mà chúng tôi đã có dịp trình bày trong bài viết của mình[10, 24-30 hoặc 13, 252].Theo bài viết [10] , từ lâu trong tiếng Việt đã có một hiện tượng tạo từ mới bằng cách làm biến đổi ngữ âm của một từ và kèm theo đó là những sự chuyển dịch về nghĩa. Từ chỗ các hình thức ngữ âm này thoạt kỳ thuỷ chỉ là biến thể của một từ, nhưng dần dà về sau, trong quá trình sử dụng, các biến thể đó đã trở thành những đơn vị từ vựng mới riêng biệt, tuy rằng giữa chúng vẫn còn có thể nhận ra được những mối liên hệ rõ ràng về nghĩa. Chẳng hạn, các đơn vị chỉ khác nhau về thanh điệu như: ngước - ngược; lẻn - lén; quanh - quành; chuyên - chuyền - chuyển - chuyến, v.v... Có trường hợp các đơn vị chỉ giống nhau ở phần vần: leo - trèo; bận - lần; bè - phe; phang - vạng; bíu- níu - víu, v.v… (tư liệu dẫn theo [3,54]). Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra hiện tượng này, chẳng hạn cố giáo sư Tôđô Akiyasu đối với tiếng Hán (dẫn theo [8,30]), và Tomita Kenji đối với tiếng Việt [8, 30-33]… Chính viện sĩ Ju. S. Stepanov cũng đã chỉ ra hiện tượng này trong tiếng Nga: "Sự biến dạng vỏ ngữ âm của từ (...) có một giới hạn là từ đồng nghĩa (...). Một từ phát âm hai cách khác nhau tạo thành hai biến thể ngữ âm của một từ, ví dụ: Energija (n cứng ) và En’ergija (n mềm ) (năng lượng); krynka -krinka (vò đựng sữa); kaloshi - galoshi (đôi giày cao su), v.v... Nhưng mấy cặp biến thể này không có một sự khác nhau nào về ý nghĩa, dù rất nhỏ. Những biến thể phức tạp hơn xuất hiện (...). ở đây đôi khi đã có thể nhận thấy sự khác nhau chút ít về ý nghĩa nhưng còn mơ hồ; đến nỗi khó có thể giải thích thành luật lệ rõ ràng mà chỉ có thể nói là biến thể này thường kết hợp với từ này, còn biến thể kia thì thường kết hợp với từ khác (...). Song trong ngôn ngữ có một khuynh hướng là không bỏ rơi những khả năng có sẵn mà chưa được sử dụng: nếu đã tạo ra hai biến thể khác nhau của từ thì, thường thường, chúng có ý nghĩa khác nhau, mặc dù sự khác nhau về ý nghĩa này dường như chỉ là một tiểu dị. ở đây sự thay đổi của từ đã đến giới hạn: một bước nữa là trước mắt chúng ta không phải là biến thể của từ mà là một từ mới, từ đồng nghĩa với từ cũ (chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi - NĐT). Chẳng hạn như ananasnyi và ananasovyi ([thuộc về, bằng] dứa) là những biến thể, còn verkhij (trên, ở trên cao, trên cùng...) và verkhovnyi (tối cao) là những từ đồng nghĩa cách nhau đã xa (...)" [7,42].
Mỗi thành phần của âm tiết (trong cấu tạo của một từ) đều có khả năng dịch chuyển riêng rẽ hoặc trong sự phối hợp đồng thời với một số thành phần khác trong âm tiết. Có thể dẫn một số trường hợp minh hoạ sau đây: phụ âm đầu biến đổi, ví dụ: bíu- níu - víu ,v.v…; nguyên âm biến đổi, ví dụ: há - hé; hứng – hóng; lẻn - lẩn - lỉnh – lủi; v.v… ; âm cuối biến đổi, ví dụ: buôn buốt và buông buốc …theo cách phát âm trong phương ngữ Nam Bộ (các âm đầu, nguyên âm, âm cuối này có trong âm tiết ở hầu như tất cả các ngôn ngữ); âm đệm biến đổi, ví dụ: chuếnh choáng và chếnh choáng, loanh quanh và lanh quanh, …; thanh điệu biến đổi, ví dụ: ngước - ngược; lẻn - lén; quanh - quành; chuyên - chuyền - chuyển – chuyến , v.v… (ở các ngôn ngữ mà âm tiết có âm đệm và thanh điệu kiểu như tiếng Việt); trọng âm biến đổi, ví dụ: muka’ (bột) và mu’ka (sự đau khổ) (ở các ngôn ngữ có trọng âm như tiếng Nga); nhiều thành phần âm tiết cùng biến đổi, ví dụ: xuân - xoan, kính – gương, kỉ – ghế, cảnh – kiểng, v.v…. Rồi mỗi thành phần của âm tiết mới được tạo ra ấy lại có khả năng biến đổi, chuyển dịch để tạo ra các âm tiết mới khác từ đó lại cấu tạo nên các từ mới khác nữa….Quá trình chuyển dịch ấy cứ thế diễn ra mãi mãi, tuy nhiên ngày càng hạn chế hơn so với ban đầu. Chính vì thế phương thức cấu tạo từ theo lối chuyển dịch âm như vậy hiện nay chỉ còn phát huy hiệu lực hạn chế như chúng tôi đã nêu trong bài viết của mình [10]. Từ các từ / tín hiệu đầu tiên và các từ/ tín hiệu được tạo thành theo cách chuyển dịch âm này, về sau con người mới sử dụng các phương thức cấu tạo từ khác như ghép, láy, phụ gia …tuỳ theo từng loại hình ngôn ngữ để tạo ra vô vàn các đơn vị từ vựng khác; hoặc sử dụng cách chuyển nghĩa theo ẩn dụ, hoán dụ, mở rộng - thu hẹp nghĩa để diễn đạt các sự vật, hiện tượng... mới bằng các từ / tín hiệu đã có. Sau cùng do có sự tiếp xúc các cộng đồng người mới có sự vay mượn từ ngữ lẫn nhau trong các ngôn ngữ.
Quan niệm của chúng tôi coi nghĩa của từ là cái xuất hiện (hay được gợi lên) trong trí óc mọi người khi nghe thấy (hoặc đọc) từ ấy cũng hoàn toàn phù hợp với ý kiến của Ch. Stevenson: "Nghĩa của từ về phương diện tâm lí mà chúng ta cần (...) là thuộc tính thiên hướng của kí hiệu mà với thuộc tính thiên hướng đó các quá trình tâm lí diễn ra ở người nghe là phản ứng được thay đổi phụ thuộc vào các hoàn cảnh đi kèm, còn kích thích là sự tri giác kí hiệu bằng thính giác." [26, 137]. Đồng thời, Ch. Stevenson còn nói rõ hơn: "Tố tính (predraspolozhenie) của kí hiệu gây nên phản ứng ở người nghe sẽ được gọi là "ý nghĩa’ và "Cần thừa nhận rằng ý nghĩa là thiên hướng hay tố tính hoặc tri giác cái được đọc hoặc tri giác kí hiệu bằng thính giác" [26, 139].
Trong những công trình đã công bố của mình vào các năm 2001, 2003, 2008, chúng tôi cũng đã nêu rõ, ở địa hạt nghiên cứu này, cần phân biệt rạch ròi trong nhận thức ba phạm trù sau đây:
Một là, nghĩa của từ (có thể coi như nội dung tồn tại khách quan của từ trong hệ thống ngôn ngữ với tư cách là bản thể(hay có thể diễn đạt ẩn dụ hoá tương tự như là “ vật tự nó ” tồn tại khách quan – theo cách gọi của I. Cantơ). Đây là tri thức chung của toàn xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định về cái được từ biểu thị / chỉ ra;
Hai là, sự nhận thức hay là sự hiểu biết của mỗi người về nội dung khách quan ấy của từ (đây là hình thức tồn tại chủ quan của nội dung khách quan nói trên của từ trong nhận thức ở mỗi người).
Ba là, khả năng diễn giải thành lời ( hay hiện thực hoá) sự hiểu biết của mỗi chúng ta về nghĩa của từ nào đó (điều này thường được coi là việc định nghĩa hay giải thích ý nghĩa của từ ) [9,53-54; 11,118-119; 14,185]. Trong thực tế, người bản ngữ ai ai cũng có thể dễ dàng hiểu được nghĩa của các từ như: nhà, sân, trời, mưa, ăn, ngủ, xanh, trắng, chua, ngọt, v.v…, nhưng việc giải nghĩa các từ trên thành lời như định nghĩa trong từ điển thì quả không dễ dàng. Đúng như các nhà biên soạn từ điển đã thừa nhận, từ càng có ý nghĩa dễ hiểu thì càng khó định nghĩa. Đó là chưa kể khả năng mỗi người có thể và có quyền giải thích ý nghĩa của cùng một từ theo cách khác nhau, và thậm chí cùng một người có thể giải nghĩa theo cách khác nhau về cùng một từ ở cùng một thời điểm nhưng cho những người nghe có trình độ nhận thức khác nhau (chẳng hạn, việc giải thích nghĩa một từ cho trẻ nhỏ khác với cho người có trình độ học vấn cao, v.v…).
Do thấy người ta không thể diễn giải được thành lời sự hiểu biết của mình về nghĩa của một từ nào đó có người đã vội quy họ không hiểu ý nghĩa của từ! Đặc biệt hơn nữa là có những nhà nghiên cứu ngữ nghĩa học do bị lầm lẫn hai bình diện nhận thức và bản thể nên đã coi lời định nghĩa của một từ trong từ điển giải thích chính là nghĩa, thậm chí còn coi đó chính là cấu trúc nghĩa của từ, từ đó đã có những nhận định thiếu chính xác khi phân tích ngữ nghĩa của từ ngữ. Thực ra, như đã nói, lời định nghĩa trong từ điển giải thích chỉ là một trong nhiều biến thể về cách giải thích và cách hiểu ý nghĩa của một từ mà thôi (I.A. Sternin)[24].
Chẳng hạn, nói mát được từ điển giải nghĩa là :“ Nói dịu nhẹ như khen nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách”[5,733].
Do dựa vào lời giải nghĩa trên, có nhà nghiên cứu đã phân tích rằng nghĩa của tổ hợp nói mát có cấu trúc: “nét nghĩa tính chất kết hợp với nét nghĩa so sánh và nét nghĩa mục đích (chúng tôi nhấn mạnh– NĐT). Thật ra cụm từ “như khen” trong lời định nghĩa trên ( được coi là nét nghĩa so sánh!) chỉ là cách diễn giải cho dễ hiểu chứ không phải là trong cấu trúc nghĩa của tổ hợp nói mát có nét nghĩa so sánh. Nếu diễn giải lại một cách đồng nghĩa lời định nghĩa này thì cái gọi là “nét nghĩa so sánh” ấy sẽ biến mất: “Nói dưới hình thức là lời khen với giọng điệu dịu nhẹ nhưng thực chất là mỉa mai, chê trách”!
Như vậy, có thể thấy tất cả những điều mà cố giáo sư Hoàng Phê trình bày về cấu trúc nghĩa của từ theo quan điểm của ngữ nghĩa học hiện đại, đó chỉ là sự phân tích lời giải thích cụ thể của một cách hiểu về nghĩa của từ và cái gọi là cấu trúc nghĩa của từ như đã nêu chỉ là cấu trúc của lời diễn giải về nghĩa của từ mà thôi. Và cũng vì nghĩa của từ là một hiện tượng tâm lí, tinh thần nên cấu trúc của nó không thể có tính chất tuyến tính mà có tính chất phi tuyến tính. Cái gọi là nét nghĩa của từ chính là sự hiểu biết của con người về đặc trưng nào đó của cái mà từ gợi ra / chỉ ra . Nghĩa từ nằm trong đầu con người, vì vậy nếu có cấu trúc thì cấu trúc đó phải là phi tuyến tính - sự hiểu biết hoàn chỉnh như một ý niệm tổng thể xuất hiện đồng thời về các đặc trưng, các thuộc tính…của sự vật, hiện tượng... được từ gợi ra / chỉ ra / . Còn lời giải nghĩa từ chẳng qua chỉ là sự hiển minh hoá nhận thức về nghĩa của một từ thành một cấu trúc có tính chất tuyến tính trong không gian. Để hiểu được cấu trúc nghĩa của từ như một hiện tượng tâm lí, chúng tôi đã sử dụng cách phân tích cấu trúc các lời giải nghĩa trong từ điển của tất cả các từ thuộc cùng một trường từ vựng ngữ nghĩa bằng phương pháp phân tích thành tố để xác đinh các thành tố / nét nghĩa trung tâm và các thành tố / nét nghĩa ngoại vi.(X.[14, 302-342 và 414-416] ). Từ đây có thể hình dung theo ẩn dụ tri nhận cấu trúc nghĩa từ tương tự như cấu tạo của hạt nhân nguyên tử : có hạt nhân (ứng với các nét nghĩa trung tâm hay có thể gọi là nét nghĩa hạt nhân) và các điện tử bao quanh (ứng với các nét nghĩa ngoại vi).
Sự nhầm lẫn của ngữ nghĩa học hiện đại khi coi lời giải thích nghĩa của từ là nghĩa từ, từ đó coi cấu trúc lời giải thích nghĩa của từ là cấu trúc của nghĩa từ chính là sự nhầm lẫn giữa nhận thức và bản thể mà trước đây chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong một số công trình của mình[12;16].
GS.TS Nguyễn Đức Tồn.