Đánh giá khách quan vai trò của chữ Quốc ngữ

Nhằm cung cấp cho công chúng thêm nhiều kiến thức, luận giải có hệ thống và cái nhìn đa chiều về vai trò của chữ Nôm và chữ Quốc ngữ trong lịch sử văn hóa Việt Nam, tạp chí Tia Sáng vừa tổ chức tọa đàm “Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ: chủ nghĩa quốc dân và quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc”.

1. TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chia sẻ: “Tôi thường xuyên nhận được câu hỏi chữ Nôm là gì. Nhiều người không biết chữ Nôm bởi không sử dụng nữa. Đó là di sản thuộc về quá khứ, thành quả của sự “va đập” về văn hóa giữa văn minh đồng bằng Bắc Bộ với một nhóm cư dân người Hán nào đó trong lịch sử. Chúng ta thường gọi chung Hán Nôm, mặc dù đó là hai khái niệm khác nhau. Chữ Hán để ghi tiếng Hán, chữ Nôm ghi tiếng Việt. Trong lịch sử, có hai loại hình văn tự để ghi tiếng Việt, một là Nôm, hai là chữ Quốc ngữ. Nhưng theo sử liệu cổ nhất được ghi nhận thì chữ Nôm cũng từng được gọi là chữ Quốc ngữ”.

Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép việc dùng Quốc ngữ để làm văn thơ. Có thể kể ra nhiều trí sĩ tiêu biểu như Chu Văn An có tập “Tiều ẩn quốc ngữ thi tập”. Hoặc như trước đó, “Cụ Nguyễn Trãi cao siêu cả Hán văn và thơ Nôm. Các chữ như quốc ngữ, quốc âm, phương ngôn, phương âm đều chỉ dùng tiếng Việt. Khái niệm chữ Nôm lần đầu tiên được ghi nhận là trong từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes”, TS Dương cho biết.

Từ năm 1615 đến 1919, việc các nhà truyền giáo nước ngoài dùng chữ để ghi lại tiếng Việt được coi một bước ngoặt văn hóa quan trọng. Trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, TS Phạm Thị Kiều Ly, chuyên gia nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ của Đại học Sorbonne Nouvelle (Pháp) phân tích, quá trình ghi âm tiếng Việt từ buổi đầu là sự dày công của rất nhiều giáo sĩ tham gia, trong đó tiêu biểu là Alexandre de Rhodes, Francisco de Pina hay António de Fontes... Sự ra đời các ký tự để ghi âm tiếng Việt là cả một quá trình nghiên cứu thực tế phát âm của người Việt, mày mò tìm kiếm ký tự tương đương trong tiếng Latin, Bồ Đào Nha, Italia và Pháp.

Từ lúc hình thành tới khi hoàn thiện, cuốn “Từ điển Việt Bồ La” của Alexandre de Rhodes được coi là pho từ điển đầu tiên quan trọng nhất và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện góc nhìn của người châu Âu đối với văn hóa Việt Nam về sản vật, về phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian...

Thực dân Pháp đã sử dụng chữ Quốc ngữ để thực hiện quá trình tạo ảnh hưởng về văn hóa sau khi bắt đầu xâm lược Việt Nam từ năm 1858. Kể từ khi giành lại chính quyền từ tay thực dân Pháp, Đảng và Nhà nước ta đã nhận định chữ Quốc ngữ có tính chất tiến bộ và dễ học, có thể trở thành “cầu nối” đoàn kết đông đảo mọi tầng lớp, phù hợp cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bởi vậy, cuộc vận động dùng chữ Quốc ngữ trở thành phong trào rất lớn nhằm xây dựng một nền văn hóa cứu quốc và được hưởng ứng rộng rãi trong xã hội. “Sắc lệnh số 20 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký có quy định về việc sử dụng chữ Quốc ngữ và coi đó là chữ viết của nước mình. Từ đó, người ta coi chữ Quốc ngữ là một biểu hiện của bản sắc văn hóa mà ai cũng có thể sở hữu và tự hào. Sắc lệnh này đánh dấu sự phân kỳ quan trọng trong văn hóa Việt Nam, đưa nước ta bước sang giai đoạn mới đồng nhất khái niệm một quốc gia, một chính quyền và một ngôn ngữ, một văn tự”, TS Dương phân tích.

2. Một điểm nhấn của tọa đàm là cuộc thảo luận chung quanh mối quan hệ giữa chữ Nôm và chữ Quốc ngữ trong quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc. TS Dương cho rằng, chúng ta đã nhận thức chữ Nôm và chữ Quốc ngữ với tư cách một bản sắc văn hóa dân tộc là theo định hướng của Nhà nước, đặc biệt là sau Đại hội VII (năm 1991). Do đó, hai ngôn ngữ này đều được nhìn nhận là những di sản văn hóa của tiền nhân. Tuy hai ngôn ngữ này có nhiều khác biệt, nhưng điểm chung là đều dùng để ghi tiếng Việt, thể hiện tình yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ thông qua hai ý thức hệ khác nhau là “Việt tâm luận” và “Âu tâm luận”. Theo đó, một bên là các nhà nho muốn gìn giữ văn hóa Hán Nôm cùng nhiều ngôn ngữ thuần Việt cổ, một bên là các trí sĩ tây học muốn sử dụng chữ Quốc ngữ là phương tiện giúp đa số người dân tiếp cận tri thức phương Tây. Do vậy, bên cạnh việc bảo tồn những bản sắc của văn hóa Hán Nôm, chúng ta cần ghi nhận những người có đóng góp quan trọng cho chữ Quốc ngữ.

Nhiều ý kiến cũng đề cập việc TP Đà Nẵng dự định lấy tên hai người đã góp công hình thành chữ Quốc ngữ là giáo sĩ Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Pháp) để đặt tên đường, hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau thời gian gần đây. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Kiều Ly bày tỏ: “Thực ra chữ viết chỉ là một công cụ truyền đạt ý nghĩ, bởi vậy con người có quyền lựa chọn cách thức biểu đạt phù hợp giữa nhiều loại hình ngôn ngữ. Trong lịch sử, chữ Quốc ngữ so chữ Hán, chữ Nôm được đánh giá là ngôn ngữ dễ học, hiện đại hơn nên nhận được sự hưởng ứng của đa số người dân, cũng như sự công nhận của Đảng và Nhà nước ta. Khi nhìn nhận vấn đề ngôn ngữ và văn hóa, cần sự đánh giá khách quan, công tâm dựa trên góc nhìn duy vật biện chứng của người mác-xít”.

VŨ ANH.

Tin bài liên quan
Sample Article

Chữ quốc ngữ - Sự hình thành, phát triển và những đóng góp và văn hóa Việt Nam

Tỉnh Phú Yên được xác định là được thành lập năm 1611; Hội An – Thanh Chiêm, Bình Định (Nước Mặn), Qui Nhơn, Phú Yên… được xem như là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ. Hơn nữa, ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của cha Alexandre de Rhodes được in tại Rôma năm 1651, hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng (được xây dựng vào năm 1892), tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Sample Article

Lịch sử đầy sóng gió của chữ quốc ngữ

Ngày 1-1-1882, chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6-4-1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” do thống đốc Nam kỳ Lafont ký.